“Sự thất bại của ASEAN trong việc thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử cũng minh chứng cho việc thiếu một phản ứng rõ ràng và đoàn kết đối với chiến lược “cắt lát xúc xích” của TQ ở Biển Đông”, TS. William Choong phát biểu tại Hội thảo quốc tế về “Xây dựng lòng tin ở châu Á” do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam và Đại sứ quán Nhật Bản đồng tổ chức sáng 4/12.

Học giả Trung Quốc bị cô lập vì không giống ai
Biển Đông: Nơi lợi ích Mỹ - Trung chồng lấn

Sự chia rẽ của ASEAN

Trong khi Trung Quốc cố gắng xây dựng các mối liên kết kinh tế và an ninh với các nước ASEAN, TS William Chong, Chuyên gia cao cấp, Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế Singapore cho rằng thách thức lớn nhất đối với ASEAN và an ninh khu vực là chiến lược lấn biển của Trung Quốc đối với các tranh chấp hàng hải của mình ở Biển Đông. Từ trận chiến Hoàng Sa năm 1974 với Việt Nam, đến năm 1988 là chiếm đảo Gạc Ma, năm 1995 cho đến nay là chiến dịch xây đảo nhân tạo.

Trong những năm gần đây, ASEAN đã bị cản trở bởi sự chia rẽ nội bộ về cách thức đối phó với việc Trung Quốc thách thức ở Biển Đông. Năm 2012, vai trò của ASEAN bị giảm sút đáng kể khi các Bộ trưởng ASEAN đã không thể đưa được thông cáo chung và hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN tháng 11/2015 cũng diễn ra tương tự.

{keywords}
Ảnh minh họa: THX

Khi TQ chuyển giàn khoan Hải Dương 981 của mình lại gần đảo Hoàng Sa, ASEAN đã phản ứng bằng cách bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” căng thẳng ở Biển Đông và yêu cầu các bên liên quan phải tự “kiềm chế”.

Thêm vào đó, TS. William Choong cho rằng sự thất bại của ASEAN trong việc thúc đẩy Bộ quy tắc ứng xử cũng minh chứng cho việc thiếu một phản ứng rõ ràng và đoàn kết đối với chiến lược “cắt lát xúc xích” của TQ ở Biển Đông.

GS Renato De Castro, Đại học De La Salle, Philippines thì nhận định ban đầu, TQ sử dụng chiến thuật trì hoãn trong việc giải quyết các tranh chấp trong khi đó lại củng cố tuyên bố chủ quyền trên các vùng biển tranh chấp, ngăn cản các nước nhỏ củng cố tuyên bố riêng của họ, trong quá trình đó làm suy yếu ASEAN.

Cụ thể từ đầu những năm 90, đối mặt với sự bành trướng về phía nam của Trung Quốc ở Biển Đông, ASEAN đã tìm cách thiết lập một cơ chế giải quyết xung đột thông qua các đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về pháp lý để làm giảm nguyên cớ xung đột. Tuy nhiên, TQ đã ngăn ASEAN thiết lập cơ chế này bằng cách trì hoãn các cuộc đàm phán COC nhằm tạo ra khoảng trống chiến lược ở Đông Á.

Khi các cường quốc tranh giành quyền lực ở Biển Đông, các quốc gia Đông Nam Á nhỏ hơn cuối cùng sẽ phải lựa chọn giữa việc về phe một siêu cường nào đó để duy trì nguyên trạng hay để cho một cường quốc khu vực mới nổi thay đổi việc phân chia lãnh thổ trên biển ở Đông Á. GS. Castro cho rằng, điều đó không chỉ làm xói mòn ảnh hưởng của ASEAN mà còn đe dọa sự tồn tại với tư cách là tổ chức khu vực của các nước nhỏ với cam kết mang lại hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á.

Giải pháp xây dựng lòng tin

Hợp tác tuần tra chung là giải pháp đầu tiên trong việc củng cố xây dựng lòng tin, TS. Nguyễn Thanh Minh – Bộ Tư lệnh cảnh sát biển, Bộ quốc phòng đề xuất. So với giai đoạn trước, các biện pháp xây dựng lòng tin hầu hết không đề cập đến các mối quan hệ giữa hải quân, cảnh sát biển của các nước trong khu vực Biển Đông.

Tiếp đến là giảm bớt các hoạt động quân sự đơn phương. Thành lập cơ chế kiểm soát và phòng ngừa xung đột giữa ASEAN và Trung Quốc. Các bên có liên quan cần ký kết một văn bản cảm kết không quân sự hóa Biển Đông. Bởi vì hiện TQ đang tiến hành xây dựng những công trình mang tính chất quân sự trên các đảo nhân tạo. Chính những hành động đó của TQ đã làm giảm lòng tin với các quốc gia trong và ngoài khu vực.

Lan Anh