THACO đi đầu tự phát triển cơ khí và công nghiệp hỗ trợ

Ngay từ năm 2021 khi đại dịch COVID-19 vẫn còn đang là tâm điểm của cả xã hội, đồng thời làm trì trệ các ngành sản xuất thì THACO đã thực hiện chiến lược phát triển cơ khí thành ngành sản xuất kinh doanh chính, thành lập Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) gồm 19 nhà máy, tổng vốn đầu tư 4.600 tỷ đồng và 4.200 nhân sự, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu, đóng góp phát triển ngành cơ khí Việt Nam.

Đây là hướng đi phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thị trường, góp phần tạo sức bật cho ngành cơ khí, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước. Với hướng đi này, THACO Industries đã xác định chiến lược phát triển bền vững bởi đây là ngành công nghiệp “thượng nguồn”, tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo việc làm cho lượng lớn lao động và đặt nền móng cho nhiều ngành công nghiệp khác.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT THACO cho biết, trước đây, chiến lược của THACO là thông qua ô tô để phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ nhưng đến nay đã vận hành Tổ hợp Cơ khí tại Chu Lai như một trung tâm cơ khí. Việc thành lập tổng công ty là khởi đầu của những kế hoạch tiếp theo giúp ngành cơ khí và công nghiệp phụ trợ phát triển.

mo hinh moi phat trien co khi va cong nghiep ho tro o thaco 1e2c1ddd15b943b0a72815ab9d845121.jpg
Trung tâm cơ khí của THACO tại Chu Lai

Trung tâm cơ khí của THACO tại Chu Lai hiện là cơ sở cơ khí lớn nhất Việt Nam với đầy đủ thiết bị, lực lượng kỹ sư, công nhân trình độ cao. Trung tâm này sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô; thiết bị trong nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và gia dụng; gia công cơ khí; cung cấp phôi thép, kim loại màu, vật tư, linh kiện; dịch vụ thiết kế và nghiên cứu sản phẩm, thí nghiệm vật liệu và thử nghiệm sản phẩm.

Nếu như phần lớn các doanh nghiệp tập trung vào một vài công đoạn thì THACO Industries phát triển chuỗi giá trị từ R&D, cung cấp vật tư, gia công, xử lý bề mặt đến sản phẩm hoàn thiện, cung ứng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, doanh nghiệp đã thâm nhập vào nhiều thị trường lớn như Mỹ, Úc, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản... 

Những "quả ngọt" sớm được thu hái

Hiện nay, tiềm năng ngành cơ khí rất lớn, dự báo đến năm 2030, quy mô thị trường đạt 310 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp mới đáp ứng hơn 30%. Đặc biệt, xu hướng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu giai đoạn hậu COVID-19 sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành. Thực tế, ngay khi xác định đầu tư vào cơ khí và phát triển công nghiệp hỗ trợ, THACO Industries đã sớm gặt hái thành công như dự kiến.

Gia công cơ khí năm 2021 của THACO Industries tăng gấp đôi năm 2020, nhất là xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu đạt 165 triệu USD. Đến năm 2023, xuất khẩu đạt 268 triệu USD.

Không dừng lại trong khuôn khổ nội bộ, THACO đã đầu tư phát triển ra bên ngoài, hình thành một mô hình sản xuất mới. Chiến lược của THACO trong giai đoạn mới là hình thành hệ sinh thái thông qua liên kết với đối tác trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất. Đây là thay đổi tất yếu và cũng chính là cơ hội cho THACO và các doanh nghiệp cơ khí.

mo hinh moi phat trien co khi va cong nghiep ho tro o thaco 2a5c60d63c6f4c5ba2b0238962151f1b.jpg

THACO sẽ liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thông qua 4 hình thức: Các doanh nghiệp sản xuất, gia công sản phẩm cho THACO; Doanh nghiệp thực hiện R&D, THACO sản xuất, gia công toàn bộ hoặc một phần sản phẩm; Các doanh nghiệp có thị trường kinh doanh, THACO sẽ đảm nhận R&D, sản xuất, gia công, cung ứng sản phẩm; THACO và doanh nghiệp hợp tác cùng sản xuất. Việc hình thành hệ sinh thái sẽ tăng cường kết nối, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp Việt trong chuỗi giá trị toàn cầu. Như vậy sẽ tạo ra “hệ sinh thái công nghiệp” và “xã hội sản xuất” đủ mạnh để ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ bứt phá.

Trên thế giới đã có mô hình tập đoàn lớn liên kết với các doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng tham gia vào chuỗi giá trị nhưng ở Việt Nam là lần đầu và THACO là doanh nghiệp tiên phong. Thông qua mô hình của THACO, tỉnh Quảng Nam cũng là mô hình tiên phong hình thành hệ sinh thái phát triển ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp hỗ trợ và mở rộng sang các lĩnh vực khác.

Sự hợp tác này chắc chắn sẽ lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, góp phần tạo nên những điểm sáng phát triển thành công trong ngành công nghiệp nước nhà.