Chiều nay (16/10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các nội dung liên quan đến tài chính ngân sách; trong đó có lộ trình cải cách chính sách tiền lương từ 1/7/2024.
Theo đề xuất của Chính phủ, lộ trình cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ 1/7/2024. Chính phủ sẽ triển khai đồng bộ các nội dung của chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cụ thể là quy định mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.
Cùng với đó là mở rộng quan hệ tiền lương từ 1-2,34-10 hiện nay lên 1-2,68-12; sắp xếp lại các chế độ phụ cấp và cơ cấu lại tỷ lệ giữa lương cơ bản (70%) và phụ cấp (30%); bổ sung quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản.
Giai đoạn sau năm 2024, Chính phủ tiếp tục điều chỉnh các mức lương trong các bảng lương tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm (để bù trượt giá và có phần cải thiện theo mức tăng trưởng GDP) cho đến khi mức lương thấp nhất đạt bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng 1 (vùng cao nhất) của khu vực doanh nghiệp.
Với chính sách tiền lương mới này, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.
Nội dung này đã được Hội nghị Trung ương 8 thảo luận và giao Bộ Chính trị chỉ đạo Ban cán sự đảng Chính phủ hoàn chỉnh báo cáo trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15 (dự kiến khai mạc vào 23/10) xem xét, quyết định.
Tăng lương để giữ công chức, khắc phục “chân trong, chân ngoài”
Trao đổi với VietNamNet, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - Phó Ban Công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ để có thể thực hiện cải cách tiền lương, tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức từ 1/7/2024.
Theo đại biểu Tạ Thị Yên, nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003. Vấn đề cải cách tiền lương tiếp tục được đặt ra tại nhiều hội nghị Trung ương và được Trung ương nhiều khóa quan tâm kết luận. Nhờ đó tiền lương trong khu vực công của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên phải nhìn nhận thực tế, đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Chính sách tiền lương trong khu vực công còn phức tạp, thiết kế hệ thống bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo; còn mang nặng tính bình quân, không bảo đảm được cuộc sống, chưa phát huy được nhân tài, chưa tạo được động lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả làm việc của người lao động.
Đáng chú ý là công thức tính lương hiện nay theo mức lương cơ sở nhân với hệ số không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Trong khi lại có quá nhiều loại phụ cấp, nhiều khoản thu nhập ngoài lương làm phát sinh những bất hợp lý…
Nghị quyết 27 của Trung ương khóa 12 ra đời nhằm khắc phục những bất cập này. Trong đó Trung ương khẳng định “tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương”.
“Đây là mong mỏi của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức trên cả nước. Chính vì vậy, mặc dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng Chính phủ vẫn nỗ lực để đảm bảo đủ nguồn lực thực hiện lộ trình cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 là phù hợp và rất đáng ghi nhận”, đại biểu Tạ Thị Yên nói.
Theo Phó Ban Công tác đại biểu, chúng ta đã lùi thời gian cải cách ít nhất 2 lần kể từ năm 2020, không thể lỡ hẹn thêm nữa. Và điều quan trọng là thời gian gần đây, với sự quyết liệt của Bộ Nội vụ, các bộ ngành, địa phương đã thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế vừa giúp tiết kiệm nguồn lực, vừa giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước một cách phù hợp.
“Đấy là tiền đề quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương”, đại biểu Tạ Thị Yên nhấn mạnh.
Nhất là trong bối cảnh vừa qua và cho đến nay vẫn còn tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức có năng lực chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư, thì việc cải cách tiền lương sẽ tạo động lực để họ có hứng thú làm việc, thúc đẩy tăng năng suất lao động, gắn bó với khu vực nhà nước.
"Chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh trên thị trường lao động để thu hút “hiền tài” cho bộ máy nhà nước và chính sách tiền lương có vai trò rất quan trọng trong hệ thống chính sách đãi ngộ công chức viên chức nói chung", nữ đại biểu tỉnh Điện Biên nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo bà Yên, thực hiện cải cách tiền lương cũng còn góp phần khắc phục tình trạng “chân trong, chân ngoài” trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.
'Nhà nước nhỏ, xã hội lớn' mới đảm bảo nguồn lực cải cách tiền lương bền vững
Sau bài phỏng vấn Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà về nội dung này, nhiều bạn đọc của VietNamNet cũng bày tỏ ủng hộ sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị các điều kiện để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Bạn đọc Hung Viet Luong cho rằng, tăng lương cho khu vực công là chủ trương và chính sách rất đúng. Nhưng tăng như thế nào, được bao nhiêu để những cán bộ, công chức có trình độ, tâm huyết tiếp tục ở lại để làm việc theo đúng chức năng, nhiệm vụ là quản lý nhà nước và dịch vụ công mới là điều cần bàn.
Khi hệ thống chính quyền và cơ chế quản lý nhà nước vận hành trên cơ sở các luật, nghị định, thông tư cần được phát triển và không can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp cũng như đời sống xã hội của nhân nhân.
Mô hình “nhà nước nhỏ, xã hội lớn” có thể giảm được đáng kể số người hưởng lương từ ngân sách, đảm bảo nguồn lực để trả lương cho cán bộ, công chức, viên chức hợp lý.
Bạn đọc Hieu Thuan Nguyen Chau cũng hoan nghênh việc tăng lương cho công chức, viên chức để họ có thể sống được bằng lương là cần thiết. Từ đó góp phần chống nhũng nhiễu, tham nhũng, hối lộ.
Bạn đọc này cho rằng, tuy số kinh phí 500 nghìn tỷ đồng là rất lớn nhưng cũng không quá khó để cân đối. Nếu nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước bằng chính sách hợp lý, thông thoáng thì sẽ tăng nguồn thu ngân sách gấp bội lần. Làm được như vậy không những đủ chi cho tăng lương mà còn có thể đầu tư cơ sở hạ tầng và nâng cao đời sống nhân dân.
Bạn đọc Buu Lam thì đồng tình với việc tiếp tục sáp nhập xã, huyện, tinh gọn bộ máy và chống tham nhũng, lãng phí sẽ có thêm nguồn tiền để bù vào một phần tăng lương cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, bởi "khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.