Là nhà đồng sáng lập và CEO của mạng xã hội Facebook với sự tham gia của hàng tỷ người trên toàn cầu, Mark Zuckerberg hiển nhiên được coi là một nhân vật có quyền lực đáng kinh ngạc.
Theo Giáo sư kinh doanh Scott Galloway của Đại học New York, điều đó đã khiến ông chủ Facebook trở thành người "nguy hiểm" nhất thế giới. Galloway là một giảng viên marketing và doanh nhân triệu phú tự thân. Đây là nhận xét của ông khi thảo luận về kế hoạch tích hợp dịch vụ nhắn tin của các nền tảng mà công ty này sở hữu là Facebook Messenger, Instagram và WhatsApp.
Facebook mua lại Instagram năm 2012 và WhatsApp năm 2014. Tuy người dùng vẫn có thể dùng riêng cả 3 ứng dụng trên nhưng chúng sẽ đều sử dụng mã hóa đầu cuối sau khi quá trình hoàn tất vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Galloway nói: "Mark Zuckerberg đang cố gắng mã hóa phần xương sống giữa WhatsApp, Instagram và nền tảng cốt lõi của Facebook để có một mạng lưới liên lạc gồm 2,7 tỷ người. Việc một cá nhân có thể quyết định các thuật toán cho những dịch vụ liên quan đến hàng tỷ người thật đáng sợ, bất kể ý định của người đó là gì".
Trên thực tế, hơn 2,7 tỷ người trên thế giới sử dụng ít nhất một trong số các dịch vụ do Facebook sở hữu mỗi tháng và hơn 2,1 tỷ người sử dụng Facebook, Instagram, WhatsApp hoặc Messenger mỗi ngày.
Hàng tỷ người trên thế giới đang sử dụng 3 ứng dụng đình đám này.
Một vấn đề khác liên quan đến Zuckerberg và Facebook là gã khổng lồ mạng xã hội đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích nặng nề liên quan đến bảo mật dữ liệu người dùng, phát tán thông tin sai lệch và gây bất hòa qua Facebook và Instagram. Theo Galloway, Zuckerberg đã không thể hiện khả năng hoặc mong muốn đảm bảo cỗ máy của mình sẽ không bị biến thành vũ khí bởi những thế lực có mục đích xấu.
Nếu chính phủ cố gắng phá vỡ Facebook, công ty sẽ phản bác rằng điều đó gần như là không thể vì làm như vậy sẽ loại bỏ rất nhiều lợi ích kinh tế đi kèm. Đầu tháng 8 vừa qua, theo báo cáo của The Information, Facebook đang lên kế hoạch đổi tên WhatsApp thành "WhatsApp from Facebook" và Instagram thành "Instagram from Facebook".
Vài năm trở lại đây, nhiều nhà đồng sáng lập của 2 ứng dụng trên đã lần lượt rời khỏi gã khổng lồ công nghệ của Thung lũng Silicon vì bất đồng quan điểm khi Zuckerberg tăng cường tích hợp các dịch vụ này với nhau. Tham vọng của Zuckerberg là cho phép người dùng gửi tin nhắn giữa các ứng dụng trên với Messenger.
Thời gian gần đây, Facebook cũng đang phải đối mặt với điều tra chống độc quyền của Ủy ban Thương mại Mỹ liên quan đến lịch sử thâu tóm đối thủ của công ty cũng như liệu các động thái trên có phải hành vi chống lại cạnh tranh hay không. Việc tích hợp những ứng dụng do Facebook sở hữu có thể tránh khỏi một vụ kiện chống độc quyền nhưng dường như người dùng nói chung đều không mấy hào hứng với kế hoạch đó.
Ngoài ra, Facebook lập luận rằng nếu công ty bị phân chia thành những phần nhỏ hơn, nó sẽ không thể cạnh tranh với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như ứng dụng nhắn tin và thanh toán di động WeChat hay TikTok. Mặc dù vậy, Galloway lại cho rằng công ty nhỏ và linh hoạt hơn cho thấy khả năng trở thành lực lượng đối kháng hiệu quả hơn so với công ty lớn.
Galloway nói: "Việc các cơ quan quản lý liên bang chấp thuận thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp của Facebook là một thất bại và có vẻ như giờ đây, chúng ta đang thấy hối tiếc về điều đó".