Sáng 29/5, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) cho biết, qua báo cáo của đoàn giám sát cho thấy còn nhiều bất cập, vướng mắc, khó khăn trong hoạt động y tế cơ sở.

Do thiếu hướng dẫn cụ thể khi thay đổi nên dẫn tới tình trạng không thống nhất, có sự khác nhau về mô hình tổ chức của trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã. Điều kiện về thuốc, trang thiết bị trạm y tế xã chưa bảo đảm.

Từ đó dẫn đến tỷ lệ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã trên tổng số lượt khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở tất cả các cấp chuyên môn kỹ thuật toàn quốc giảm (từ 19,8% năm 2017 xuống còn 14,6% năm 2022). Ông Huy cho rằng đây là điều rất đáng phải suy nghĩ, phải có giải pháp khắc phục.

Ngoài ra, tình trạng nhân lực và năng lực y tế cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu, chế độ đãi ngộ còn nhiều bất cập.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy

Ông Huy lưu ý, cần phải thể chế rõ phạm vi của y tế tuyến huyện, y tế tuyến xã và y tế thôn, bản gắn với chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng tuyến, nhất là phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ tuyến y tế cơ sở với 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: ban đầu, cơ bản và chuyên sâu.

Tổ chức hoạt động của trạm y tế xã gắn với đẩy mạnh quản lý toàn diện sức khỏe cá nhân, quản lý bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm, dinh dưỡng cộng đồng; gắn hoạt động của y tế học đường với trạm y tế xã. 

Bên cạnh đó, cần quan tâm đổi mới cơ chế tài chính, cơ chế chi trả của quỹ bảo hiểm y tế theo hướng tăng chi cho y tế cơ sở. Đổi mới chính sách và phương thức đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cơ sở, nhất là nhân lực làm việc tại trạm y tế xã. Thực hiện điều động, luân phiên hợp lý bác sĩ, cán bộ y tế để khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại trạm y tế xã.

Để khắc phục tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc, chuyển việc, ông Huy kiến nghị cần có giải pháp tăng thu nhập, bảo đảm tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nhân viên y tế nói chung, nhân viên y tế cơ sở nói riêng, tương xứng với đặc thù công việc và yêu cầu nhiệm vụ.

Lo ngại 10-15 năm nữa trạm y tế không có bác sĩ

Cũng nói về y tế cơ sở, ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) trăn trở: "Phải thừa nhận rằng mạng lưới y tế cơ sở tuy được tổ chức đồng bộ, bao phủ rộng khắp đến tuyến xã, thậm chí các ấp, khu phố nhưng chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 vừa qua".

Hệ thống y tế cơ sở đã xảy ra quá tải mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất và thiếu bác sĩ cơ hữu.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến Nhi

Bà Yến Nhi phân tích nguyên nhân là do có sự dịch chuyển bác sĩ sang khu vực tư nhân và các đô thị lớn, do chính sách tinh giản biên chế, đến tuổi về hưu. Trong khi đó, sinh viên mới ra trường rất ít chịu về công tác tại y tế cơ sở; điều kiện để lực lượng tại chỗ đi học nâng cao trình độ cũng rất khó khăn.

Với tình trạng trên, nữ ĐB cho rằng "nếu không sớm có chính sách phù hợp thì khoảng 10-15 năm nữa các trạm y tế sẽ không có bác sĩ để làm việc". Hiện nay chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa tương xứng với thời gian, chi phí học tập, công sức lao động và điều kiện môi trường làm việc.

Bà Yến Nhi dẫn chứng: "Một sinh viên đại học ngành y học đến 6 năm với mức chi phí cũng khá cao, có thể gần 200 triệu đồng/năm, nhưng khi ra trường đi làm nhận được mức lương khoảng trên dưới 5 triệu đồng/tháng".

Nữ ĐB cũng nêu thực tế, ở trạm y tế biên chế trực mỗi đêm chỉ 1 người nhưng thường có trường hợp cấp cứu đánh nhau, tai nạn giao thông rất phức tạp. Nhân viên y tế, nhất là nữ không dám trực một mình, có khi đi trực phải có người thân đi theo, hoặc nhờ một đồng nghiệp cùng trực rồi chia chế độ tiền trực đó.

Thế nhưng tiền trực mỗi đêm chỉ 25.000 đồng, tiền ăn 15.000 đồng, số tiền như vậy "rất khiêm tốn" so với công sức bỏ ra.

Vị ĐBQH cho biết, đây là phản ánh của các trạm y tế khi đoàn giám sát tỉnh Bến Tre đến khảo sát. Với chế độ, chính sách hiện nay rất khó thu hút, giữ chân người làm việc tại y tế cơ sở.

Vì vậy, bà Yến Nhi kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế nghiên cứu chế độ chính sách để thu hút, giữ chân cán bộ y tế cơ sở, đào tạo, nâng cao trình độ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho y tế cơ sở.