Ông Ousmane Dione |
Trao đổi tại hội thảo “Các vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội ngày 7/3, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam cho rằng nền kinh tế số đang tạo sự chuyển biến lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Hiện nay, 6 trong 10 công ty hàng đầu thế giới là công ty công nghệ, trong đó Apple được định giá trên 1000 tỷ USD. Thị trường Châu Á cũng sôi động với 42 công ty công nghệ mạnh như Alibaba, Go-Jek, Grab… và xu hướng này vẫn đang tiếp tục nở rộ.
Các công nghệ đột phá đã xuất hiện và Việt Nam không đi sau trong việc ứng dụng trong các nền tảng thương mại điện tử cạnh tranh với mạng lưới bán lẻ truyền thống, dịch vụ lưu trú…
Cùng đó các công ty Fintech và thanh toán cũng đang phát triển mạnh mạnh mẽ. Nền tảng thương mại điện tử đã giúp cho các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí siêu nhỏ tại nhiều địa phương có thể tiếp xúc với thị trường rộng lớn trên thế giới.
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng sự phát triển của kinh tế số, thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế cần phải cải thiện để có thể tăng tốc.
Chuyên gia cao cấp về Chính sách CNTT, Ngân hàng Thế giới, bà Natasha Beschoner cho rằng phải đẩy mạnh mức độ sử dụng kỹ thuật số từ cơ quan chính phủ cho tới doanh nghiệp, người dân.
Ông Ousmane Dione nhấn mạnh nhân tố thúc đẩy sự phát triển chính là chính sách, việc tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để các lĩnh vực phát triển thành hiện thực.
Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường sử dụng các kênh thanh toán số để thúc đẩy người dân sử dụng tài khoản, hoàn thiện chính sách thúc đẩy bảo mật dữ liệu, an ninh mạng để bảo vệ người dùng… Các cơ quan chính phủ cần làm gương nâng cao trình độ, ứng dụng công nghệ số bởi không thể đạt đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà có nền hành chính chỉ “1.0”.
Tại hội thảo, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng bên cạnh những mặt thuận lợi, tại Việt Nam vẫn đang tồn tại nhiều thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý, kỹ năng phát triển trong nền kinh tế số chưa tương xứng với sự phát triển; niềm tin, quyền bảo mật của các bên tham gia còn hạn chế…
Vì thế, việc điều chỉnh những hạn chế để tạo đà cho kinh tế số phát triển là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Bộ Công Thương đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới xem xét các vấn đề liên quan nhằm đưa ra quyết sách phù hợp cho tạo đà tăng trưởng bền vững.