Hình thành các khu kinh tế ven biển

Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng vừa cho biết, thành phố đã rà soát, đề xuất và tiến hành các bước lập kế hoạch thành lập khu vực phát triển khu kinh tế ven biển quy mô 20.000 hecta tại khu vực phía Nam sông Văn Úc, khu vực cảng và logistics Nam Đồ Sơn.

Khu kinh tế ven biển mới này bao trùm lên diện tích của 5 quận, huyện gồm Kiến Thụy, An Lão, Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Đồ Sơn.

Đây sẽ là khu kinh tế ven biển thứ hai của Hải Phòng, sau Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được thành lập năm 2008.

Theo TP. Hải Phòng, việc thành lập khu kinh tế mới nhằm khai thác hiệu quả định hướng phát triển tuyến đường cao tốc ven biển, cảng Nam Đồ Sơn (dự kiến hoàn thành trước năm 2030) và khu vực sân bay Tiên Lãng (dự kiến sau năm 2023); kết nối với các khu kinh tế lân cận (Thái Bình, Quảng Yên, Vân Đồn). Từ đây, Hải Phòng và các địa phương tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng đồng bằng sông Hồng.

Trên thực tế, khu kinh tế mới đã có sẵn một số khu công nghiệp được quy hoạch như Tân Trào, Ngũ Phúc, Tiên Lãng. Việc thành lập khu kinh tế mới nhằm tận dụng những dư địa phát triển của các khu công nghiệp và Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải hiện tại.

Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, cảng Nam Đình Vũ. 

Trong hơn thập kỷ qua, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã để lại những dấu ấn nổi trội với 9 khu công nghiệp, trong đó có những khu nổi tiếng như Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP Hải Phòng,... qua đó, giúp thành phố đột phá thu hút những dự án đầu tư tỷ USD. Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải được xem là động lực phát triển kinh tế hàng hải mà trọng tâm là dịch vụ cảng biển. 

Hồi tháng 11/2022, Hải Phòng cũng khởi công xây dựng Dự án đầu tư xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải với mục tiêu phòng chống lụt, bão, nước biển dâng, khai thác các tiềm năng, lợi thế kết nối logistics từ hệ thống cảng biển... góp phần thúc đẩy kinh tế vùng và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng ven biển Hải Phòng.

Việc hình thành các khu kinh tế ven biển được đánh giá là góp lớn trong quá trình phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Cho đến nay, cả nước có 18 khu kinh tế ven biển đã được thành lập.

Tại Quảng Ninh, có 3 khu kinh tế ven biển được thành lập, gồm Vân Đồn, Quảng Yên và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Hải Hà. Các khu kinh tế này làm đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của một tỉnh có thể mạnh về kinh tế biển như Quảng Ninh.

Tại Thanh Hóa, Khu kinh tế ven biển Nghi Sơn đã góp phần giúp tỉnh có được một trung tâm đô thị, công nghiệp và dịch vụ ven biển trọng điểm của cả nước, trọng tâm là công nghiệp và dịch vụ gắn với khai thác hiệu quả cảng biển.

Khu kinh tế Chu Lai - Quảng Nam và Phú Quốc - Kiên Giang... cũng được xem là các trọng điểm để phát triển kinh tế địa phương gắn với kinh tế biển.

Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

Ngay sau khi Nghị quyết số 36-NQ/TW năm 2018 “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ban hành, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của nguồn lực biển trong phát triển kinh tế. 

Việc xây dựng các khu kinh tế ven biển là một trong những trọng tâm được ưu tiên. Kết quả đạt được khá ấn tượng.

Với Đình Vũ - Cát Hải, khu kinh tế ven biển này đã xây dựng được các khu công nghiệp lớn, trong đó có Khu công nghiệp Tràng Duệ - một địa điểm thu hút được các dự án đầu tư lớn mà điển hình là Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với số vốn nhiều tỷ USD.

Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast với số vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD 

Cho đến nay, Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải đã thu hút đạt gần 31 tỷ USD, gồm 285 dự án FDI với tổng vốn gần 19 tỷ USD. Đây trở thành cứ điểm của nhiều nhà đầu tư lớn, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, nổi bật là dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast, với vốn đầu tư khoảng 7,6 tỷ USD.

Những khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn không chỉ làm thay đổi bộ mặt kinh tế địa phương mà còn đóng góp mạnh mẽ vào phát triển kinh tế biển bền vững. Cùng với sự phát triển của các KCN, Hải Phòng đã phát triển bến cảng nước sâu Lạch Huyện.

Khu kinh tế Phú Quốc được xem là động lực giúp Kiên Giang hướng đến mục tiêu năm 2030 là trung tâm kinh tế biển của Việt Nam. Phú Quốc được định hướng là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế.

Trong khi đó, Khu kinh tế Chu Lai cũng là một trường hợp thành công với sự hiện diện của Công ty Trường Hải, nơi hợp tác với Tập đoàn Huyndai (Hàn Quốc) lắp ráp ba loại sản phẩm là xe tải, xe du lịch và xe buýt. 

Phát triển kinh tế biển được nhiều nước coi như một động lực tăng trưởng mới, đồng thời cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo. 

Việc xây dựng các khu kinh tế ven biển giúp hướng tới một nền kinh tế xanh, hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển đối với các quốc gia có biển. Việt Nam là quốc gia biển với đường bờ biển dài hơn 3.260 km và hơn 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ (bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa). 

Các khu kinh tế ven biển sẽ giúp Việt Nam khai thác tốt hơn lợi thế bờ biển dài, đặc biệt nhờ vào vị trí thông thương, Biển Đông nằm trên tuyến giao thông hàng hải huyết mạch nối Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, châu Âu - châu Á và Trung Đông - châu Á.

Hà Ngọc Dũng, Đỗ Hồng Khanh, Nguyễn Thị Diệu Bình