Kể từ khi Nga bắt đầu các "hoạt động đặc biệt" tại Ukraine và giảm nguồn cung năng lượng tại châu Âu để trả đũa các lệnh trừng phạt kinh tế, lục địa già phải đối mặt với mối đe dọa thực sự về an ninh năng lượng. Nhưng tình trạng này không chỉ diễn ra ở châu Âu hay Mỹ, mà đã lan ra toàn cầu.
Điều tồi tệ hơn có thể còn ở phía trước
Từ Ecuador cho tới Nam Phi, tình trạng thiếu hụt nhiên liệu và mất điện liên tiếp đã khiến các quốc gia này rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế, khiến cho chính phủ phải loay hoay tìm cách thay thế nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Tại Sri Lanka, sau khi buộc phải tuyên bố vỡ nợ và lâm vào tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm trầm trọng, chính phủ đảo quốc Nam Á đã phải ban bố lệnh làm việc tại nhà để tiết kiệm điện. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Pakistan, khi thời gian làm việc của nhân viên chính phủ được rút ngắn để giảm bớt gánh nặng cho lưới điện quốc gia.
"Chúng ta đang trải qua cơn sóng đầu tiên của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Tác động của nó có thể nhìn thấy rõ ở mọi nơi trên thế giới, nhưng những điều tệ hơn có thể còn ở phía trước", Jason Bordoff, chuyên gia năng lượng Đại học Columbia nhận định.
Về cơ bản, thị trường năng lượng châu Âu từ lâu đã phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga. Nên khi cuộc xung đột Ukraine nổ ra, đi kèm với đại dịch Covid-19 và tình trạng nóng lên toàn cầu, giá nhiên liệu đã leo thang. Bên cạnh đó, việc các lệnh cấm vận dầu và trừng phạt kinh tế liên tục được ban bố cũng "đổ thêm dầu vào lửa", khiến nguồn cung năng lượng ngày càng eo hẹp hơn.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu gần đây nhất là vào những năm 1970, khi OPEC áp đặt một lệnh cấm vận gây chấn động ngành công nghiệp dầu mỏ. Cuộc khủng hoảng đó tạo tiền đề để Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) ra đời, cũng như thúc đẩy các quốc gia phát triển dự trữ chiến lược để chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung trong tương lai. Mặc dù vậy, các nền kinh tế mới nổi và những nước thế giới thứ ba lại không có được sự chuẩn bị này, khiến họ chịu ảnh hưởng rất lớn từ hành động của các "ông lớn".
"Thế giới đang có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ hơn bao giờ hết. Các quốc gia nhỏ đang phát triển nhanh chóng và ngày càng sử dụng nhiều năng lượng hơn. Về mặt kinh tế, đây là một dấu hiệu tuyệt vời cho sự tăng trưởng, nhưng cũng đồng nghĩa với những rủi ro phải đối mặt khi nằm ngoài mạng lưới an toàn của IEA", Antoine Halff, chuyên gia Trung tâm chính sách năng lượng toàn cầu chia sẻ.
Tổn thất kinh tế, nguy cơ tiềm ẩn về chính trị
Trong những tuần gần đây, cả Ghana và Cameroon đều bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình về giá và tình trạng thiếu nhiên liệu. Argentina và Peru cũng vậy, chi phí năng lượng tăng cao đã gây ra các cuộc đình công và biểu tình. Thậm chí, một số quốc gia còn đang chìm trong bóng tối.
Người dân Nam Phi đã không còn xa lạ với việc cắt điện kéo dài, khi nước này vật lộn với một trong những cuộc khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Tình trạng này cũng xảy ra ở Cuba, khi các cuộc cắt điện diện rộng xảy ra hàng ngày.
Khi các quốc gia EU quay lưng với dầu Nga, Trung Quốc và Ấn Độ đã nhanh chóng mua lại số dầu này, khiến Moscow trở thành nhà cung cấp năng lượng lớn nhất của 2 nước này. Nhưng mức tiêu thụ cao không có nghĩa là bản thân Trung Quốc và Ấn Độ không phải đối mặt với thiệt hại kinh tế, khi cả hai đều đang phải trả một mức giá cao hơn bình thường cho nhiên liệu nhập khẩu, bất chấp mức chiết khấu lớn từ Nga.
Ngoài ra, thị trường dầu mỏ còn có thể đối mặt với biến động lớn vào mùa đông, khi hàng loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế khác được đưa ra. Bên cạnh đó, chính quyền của Tổng thống Biden cũng đang tìm cách giới hạn giá dầu của Nga, vốn có thể gây ra những phản ứng không lường trước được từ Moscow.
Theo Helima Croft - chuyên gia năng lượng tại RBC Capital Markets, cuộc khủng hoảng năng lượng chỉ là một phần của những tác động từ xung đột Ukraine, vốn đã làm chao đảo giá hàng hóa thiết yếu và đẩy lùi nền kinh tế toàn cầu. Cần nhớ rằng, bên cạnh năng lượng, Nga và Ukraine còn chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu lúa mì và phân bón trên thế giới, nhưng hiện đều bị hạn chế bởi giao tranh.
"Đây không chỉ là vấn đề dầu mỏ hay khí đốt, mà là câu chuyện về cả những mặt hàng nông sản quan trọng, một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu. Bên cạnh đó là những nguy cơ tiềm ẩn về chính trị, vốn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân ở khắp nơi trên thế giới", bà Croft cho biết.