Xem lại bài 1: Khủng hoảng kép chưa từng có tiền lệ

Những dấu ấn của khó khăn

Kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế năm 2022 và cả năm 2023. Chỉ tạm nêu một số khó khăn, thách thức lớn, trước mắt.

Thứ nhất, trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trước mắt ít nhất có 3 vấn đề cần quan tâm.

Nông nghiệp: Ngành chăn nuôi đang đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá đầu ra chưa tăng tương ứng. Người nuôi heo khốn đốn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng 15 đợt trong gần 2 năm.

Khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu, nhiều tàu thuyền không thể ra khơi, thậm chí có người đã phải bán tàu, thuyền. Đang vụ cá Nam, mà khai thác thủy sản giảm 1% so với cùng kỳ…

Từ đó, dự báo giá thực phẩm có thể tăng vào những quý tiếp theo trong năm.

Công nghiệp, xây dựng: Tăng trưởng tuy có phục hồi, nhưng còn chậm so với năm trước: Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trong tháng 5 ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm nay, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%).

Thậm chí một số lĩnh vực quan trọng còn bị tăng trưởng âm: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastics giảm 13,8%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 9,8%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 2,6%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên, khai khoáng khác cùng giảm 1,7%...

Trong lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, tăng trưởng tuy có phục hồi, nhưng còn chậm so với năm trước

Ngành xây dựng có mức tăng thấp, phản ánh khó khăn của ngành này khi triển khai giải ngân vốn đầu tư và thực hiện xây lắp do giá vật liệu xây dựng tăng cao, mặc dù Chính phủ liên tục đôn đốc các bộ, ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư.

- Khu vực doanh nghiệp, vốn đóng góp trên 60% vào GDP, vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn.

Số vốn đăng ký mới trong 5 tháng đầu năm nay đạt 761.035 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2021. Điều cần quan tâm là cần khoảng thời gian nhất định để đi vào hoạt động sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong khi đó, cũng trong 5 tháng đầu năm, có 71.805 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và giải thể, tăng đến 20,0% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này cho thấy những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp chưa được khắc phục để duy trì sản xuất, kinh doanh.

Thứ hai, trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại: Xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng mạnh, gây cản trở không nhỏ trong việc triển khai thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế do chiến sự Nga - Ukraine gây ra làm tăng mạnh chi phí đầu vào đối với sản xuất kinh doanh trong nước (nguyên, nhiên liệu...).

Lãi suất USD tăng cao gây áp lực lên nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.

"Chiến lược zero-Covid không khoan nhượng" tại Trung Quốc, thực hiện các hạn chế về hoạt động và đi lại, đã làm chậm lại các hoạt động kinh tế của quốc gia này và không chỉ có thể gây ra những tắc nghẽn mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung, mà chắc chắn gây tắc nghẽn mạnh chuỗi cung ứng đối với nước ta, bởi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Lạm phát và sức cầu toàn cầu yếu hơn và gián đoạn nguồn cung ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế. Áp lực lạm phát cao trong năm nay vẫn đang hiện hữu, chủ yếu xuất phát từ: giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô dự báo tăng trong những năm tới do nhu cầu tăng mạnh, trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Đó là chưa kể khi kinh tế phục hồi trong năm 2022, nhu cầu tiêu dùng, đầu tư gia tăng cũng gây sức ép không nhỏ lên giá cả.

Tăng trưởng thấp đi, lạm phát ngóc dậy

Do phần lớn các động lực tăng trưởng kinh tế nước ta đều chịu tác động tiêu cực, nên tạm dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay cũng chỉ xoay quanh con số 5,5% trở lại.

Trong khi đó, năm 2022, lạm phát tạm dự báo trên 6%; năm 2023 lạm phát ít nhất trên 7%. Tại sao vậy?

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thiếu hụt lao động tạo áp lực không nhỏ đối với khu vực doanh nghiệp

Tuy lạm phát trong 5 tháng đầu năm được kiểm soát, bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng áp lực lạm phát năm 2022 và nhất là năm 2023 là rất nặng nề. Ít nhất do 3 nhóm nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát cao.

Một, đứt gãy chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát trong thời gian tới. Nguyên nhân gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và lao động đã nói kỹ ở phần trên. Kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ 37% chi phí nguyên, vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên, vật liệu của toàn nền kinh tế. Tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu - chiếm 50,98%.

Việc đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và thiếu hụt lao động tạo áp lực không nhỏ đối với khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất trở lại bình thường. Để có đủ lao động, doanh nghiệp và hộ kinh doanh phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm. Đây cũng là yếu tố gây áp lực lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

Hai, giá nguyên, nhiên, vật liệu tăng cao gây lạm phát toàn cầu, nước ta không ngoại lệ. Lạm phát của Mỹ tăng 8,6% - mức cao nhất kể từ năm 1981, lạm phát của khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng ở mức cao kỷ lục. OECD nâng gấp đôi mức dự báo lạm phát trong nhóm 38 nước thành viên lên 8,5%, đánh dấu mức cao nhất kể từ năm 1988. Và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao…

Gói giải cứu nào cho nền kinh tế?

Bộ trưởng KH-ĐT đang đứng trước nhiệm vụ nặng nề khi là người chủ trì soạn thảo Chương trình phục hồi, phát triển gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022-2023.

Xem ngay

Đối với nước ta, xăng dầu là mặt hàng chiến lược,chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chiếm 1,5% trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình, sử dụng tại hầu hết các ngành, lĩnh vực nên biến động giá xăng dầu sẽ tác động mạnh đến giá sản xuất và giá tiêu dùng.

Khi giá xăng dầu trong nước tăng 10% sẽ làm cho lạm phát tăng 0,36%. Nhiều người tưởng rằng sử dụng xăng dầu sản xuất trong nước thì có thể được hưởng giá rẻ. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Hiện nay, xăng dầu sản xuất trong nước chiếm từ 70-75% tổng nguồn cung. Nhưng sản xuất xăng dầu trong nước cũng phụ thuộc vào nhập khẩu dầu thô. Do đó, biến động giá xăng dầu trong nước phụ thuộc gần như hoàn toàn vào biến động giá thế giới.

Với kinh tế Việt Nam, xăng dầu có tác động sâu, rộng tới các ngành và lĩnh vực, dự báo trong năm nay giá tăng vọt và đứng ở mức cao sẽ gây nên áp lực lạm phát và tạo mặt bằng giá mới cao hơn của nền kinh tế.

Ngoài ra, giá nguyên, vật liệu, kim loại công nghiệp, phân bón, thức ăn chăn nuôi, giá lương thực thế giới tăng cao, vượt dự báo của nhiều tổ chức tài chính và kinh doanh hàng hóa quốc tế.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên, vật liệu nhập khẩu. Điều rất đáng chú ý là khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06%, đồng nghĩa với gia tăng lạm phát, do đó rủi ro nhập khẩu lạm phát là không thể tránh khỏi trong bối cảnh các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu như Mỹ, EU, Hàn Quốc... đều dự báo lạm phát ở mức rất đáng lo ngại.

Ba, tổng cầu tiếp tục tăng và không loại trừ khả năng tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là nguyên nhân rất quan trọng gây lạm phát không chỉ trong năm 2022, 2023 mà có thể vài năm sau đó nữa.

Như vậy, do thiếu hụt nguồn cung; tổng cầu tăng; thiếu hụt lao động và tăng lương tối thiểu vùng cũng như giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực tăng theo giá lương thực thế giới… do đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng, lạm phát của nước ta năm nay, người viết tạm dự báo nằm trong khoảng trên 6%.

Lạm phát ở nước ta luôn có độ trễ cao so với thế giới, do đó với các tư liệu có được, dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu của các nền kinh tế là đối tác quan trọng, người viết cũng tạm dự báo lạm phát năm 2023 của Việt Nam trên 7%.

Hải Lộc

Giảm giá xăng vừa giúp dân vừa kìm lạm phátThông tin Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất “giảm kịch khung” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, xem xét bỏ quỹ bình ổn mang lại làn gió tươi mát cho người dân và nền kinh tế vốn chật vật sau đại dịch, lạm phát tăng cao.