Đối mặt với tình trạng thất nghiệp khi ra trường, một sinh viên công nghệ tại một trường Đại học danh tiếng ở Georgia đã quyết định kiếm tiền dựa trên cơn khát thông tin của người dân Mỹ về kỳ bầu cử Tổng thống. Anh lập nên một website, đăng tải những câu chuyện không có thực về bà Hillary Clinton và ngồi chờ tiền quảng cáo tăng dần…

“Tôi không biết tại sao, nhưng nó thực sự có hiệu quả”- Beqa Latsabidze, 22 tuổi, sinh viên khoa học máy tính, nói về công việc mà anh làm kể từ khi phát hiện ra một thực tế: Các câu chuyện về ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đang thực sự hút khách.

Cách đó rất xa, ở Vancouver, một công dân Canada vận hành một website châm biếm tên John Egan cũng nhận ra điều tương tự. Website của ông có tên “The Burrard Street Journal” chủ yếu lấy lại phần đả kích của các thông tin có thực, chứ không phải thông tin giả; tuy nhiên ông phát hiện ra rằng đề tài về ông Donald Trump là cả một “mỏ vàng”.

{keywords}

Một đoạn tin giả mà Beqa đăng tải trên tài khoản mạng xã hội của mình về ông Trump (Nguồn: NYTimes).

Lưu lượng truy cập website của ông ngày càng gia tăng mạnh, đáng chú ý là một câu chuyện mà trong đó Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố sẽ chuyển tới Canada sinh sống nếu ông Trump đắc cử đã giúp cho ông cũng như cậu sinh viên Beqa, hay hàng loạt các doanh nhân khai thác Internet kiếm bộn tiền.

“Tất cả là về Donald Trump”- ông Egan nói- “Mọi người đang phát cuồng vì ông ấy”.

Trong khi mới đây Tổng thống Obama đã bắt đầu cảnh báo về mối đe dọa hiện hữu từ các thông tin chính trị giả đăng trên Facebook hay các mạng xã hội khác, câu hỏi đặt ra là: Ai là người đã tạo ra những câu chuyện đó? Và làm sao mà xu hướng này đang trỗi dậy mạnh mẽ như vậy?

Một số nhà phân tích lo ngại rằng các cơ quan tình báo nước ngoài đang cố gắng can thiệp quá trình bầu cử Mỹ bằng cách tung tin vịt. Nhưng thực tế là các thông tin này tồn tại được một cách rất dễ dàng, chỉ một sinh viên ở nước Cộng hòa Georgia cũng có thể đăng tải tin vịt như một thông tin chính thống và ngồi chờ đợi những cú click của người dùng Internet ở tận bên Mỹ để thu tiền từ hệ thống quảng cáo.

Anh Beqa nói rằng, mục đích duy nhất của mình là kiếm tiền từ hệ thống Google Ads bằng cách thu hút càng nhiều người vào tài khoản Facebook và website của mình càng tốt.

Để làm nên các tin vịt, Beqa chỉ cần đơn giản là cắt và dán (Cut and paste) - đôi lúc có sửa lại tít dẫn nhưng phần lớn là cóp lại thông tin từ các trang khác; trong đó bao gồm cả thông tin ở các trang đả kích như của ông Egan.

Theo một số thống kê, các trang tin vịt thường xuất hiện trên mạng xã hội kiểu này thậm chí còn có lưu lượng người truy cập lớn hơn cả các bài viết trên các trang chính thống và các tổ chức báo chí trong những tháng sát ngày bầu cử Mỹ.

“Người ta thích đọc về ông Trump”

Kể từ khi phát hiện ra vấn nạn này, những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Facebook hay Google đã bắt đầu nhận thức được vai trò của họ trong việc gieo rắc các thông tin sai sự thật.

Google mới đây tuyên bố rằng họ sẽ đánh sập các website đưa tin vịt khỏi dịch vụ quảng cáo và dịch vụ trực tuyến của họ, trong khi ông chủ Facebook Mark Zuckerberg cũng đưa ra một số biện pháp đang được cân nhắc, bao gồm trao quyền cho người dùng đánh dấu các bài viết có nội dung đáng ngờ.

Tại thủ đô Tbisili của Georgia, trong một căn hộ hai phòng ngủ, Beqa đã chia sẻ cách tạo tin vịt với người em trai của mình để làm cùng nhau. Cả hai anh em, đều là chuyên gia máy tính, nhận được sự trợ giúp của một kiến trúc sư.

Họ cho hay bản thân không hứng thú gì với chuyện chính trị, và ban đầu chỉ muốn cá cược xem ai là người đắc cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng sau đó, nhận thấy đây là lĩnh vực làm ăn béo bở, họ bắt đầu tạo ra một website ủng hộ bà Clinton có tên “Walkwithher.com”, một tài khoản Facebook ủng hộ cựu ứng viên đảng Dân chủ Bernie Sanders và một trang web khác về thông tin chính trị cóp nhặt từ tờ New York Times và nhiều kênh chính thống khác.

Nhưng sau đó, hàng loạt các website của Beqa đã bị đánh sập nên anh quyết định dành mọi công sức để viết về ông Trump. Website ủng hộ ông Trump có tên Deparrted.co của Beqa sau đó thành công bất ngờ khi thu hút được rất nhiều lượng truy cập nhờ các câu chuyện bịa, trong đó ủng hộ ông Trump và chống bà Clinton. Các website này đã biến mất sau ngày bầu cử ở Mỹ.

“Khách hàng của tôi yêu quý ông Trump”- Beqa nói - “Tôi không muốn viết gì chê ông ấy cả bởi nếu làm vậy tôi sẽ mất lượng truy cập”.

Trong khi có một số tin về ông Trump là thật, một số hơi thiên kiến thì phần lớn là hoàn toàn bịa đặt. Như một câu chuyện về việc “chính phủ Mexico tuyên bố sẽ đóng cửa biên giới với Mỹ nếu như Donald Trump đắc cử”.

Dữ liệu từ hãng Buzzfeed cho thấy đây là câu chuyện có lưu lượng người truy cập đứng thứ 3 trên Facebook trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7/2016.

Chỉ là hình thức giải trí

Beqa nói rằng anh cảm thấy bất nhờ khi người ta có thể dễ dàng nhầm một bài viết mà anh đăng tải lên với một thông tin có thực, khẳng định rằng nó chỉ là một dạng thông tin giải trí mà không nên đọc một cách quá nghiêm túc.

“Ai mà tin được rằng Mexico lại sắp đóng cửa biên giới được chứ”- Beqa nói- “Điều đó thật điên rồ”.

Khẳng định rằng, bản thân không có hiềm khích với người Hồi giáo hay người nhập cư tới Mỹ, cũng không quan tâm đến chính trị ở một quốc gia xa xôi, Beqa nói rằng tất cả những gì mà anh muốn là kiếm tiền.

Thu nhập của những người tạo tin giả như Beqa phần lớn đến từ Google, công ty chi trả cho anh khoảng vài Cent cho mỗi lần một độc giả đọc hoặc click vào các đoạn quảng cáo gắn với một trong số các website của họ. Trong tháng bội thu nhất, tháng có câu chuyện bịa về việc Mexico đóng cửa biên giới, Beqa đã thu được tới 6.000 USD.

Tổng thống Mỹ Barack Obama, phát biểu tại Berlin cách đây không lâu, đã cảnh báo thế giới về các thông tin không có thực trên Facebook và nhiều mạng xã hội khác, nói rằng “nếu chúng ta không nghiêm túc về những điều đúng và điều sai sự thực” và “nếu chúng ta không thể phân biệt được thông tin thật và thông tin tuyên truyền, thì chúng ta đang có rắc rối”.

{keywords}

Kiếm tiền bằng cách tung tin vịt đã trở thành ngành kinh doanh béo bở trong kỳ bầu cử Mỹ vừa qua (Nguồn: WashingtonPost).

Có bàn tay thao túng bầu cử?

Trong lúc mà ngày bầu cử sắp diễn ra, khi xuất hiện hàng loạt bài viết đồn đoán về sức khỏe của bà Clinton khiến người ta nghĩ rằng Nga đang cố gắng giúp đỡ ông Trump giành chiến thắng; người dân Mỹ bắt đầu đổ xô đi tìm kiếm các thông tin về sự thực đằng sau việc Nga đang thao túng bầu cử Mỹ.

Tuy nhiên, những người thực sự đứng đằng sau tạo ra các thông tin giả này lại không phải một quốc gia nào, mà chỉ là những người hết sức quan tâm đến vấn đề tài chính của họ, chứ chả phải lợi ích của Mỹ hay Nga hay bất kỳ quốc gia nào khác…

Beqa khẳng định, những người như anh hoạt động độc lập vì lợi ích cá nhân chứ không cần sự trợ giúp của bên ngoài. Anh nói chỉ mất khoảng giờ đồng hồ là có thể thiết lập một website cơ bản và bất cứ ai có kiến thức tầm trung về máy tính cũng có thể nhanh chóng đăng tải các tin giả lên đó.

Còn ở thời điểm hậu bầu cử Mỹ như hiện tại, khi tỷ lệ người dùng Internet bớt bị hấp dẫn bởi các thông tin chính trị liên quan tới ông Trump hơn, lưu lượng truy cập vào các website của Beqa đã giảm tới 50%.

“Nếu bà Hillary chiến thắng thì đã tốt hơn cho chúng tôi rồi”- Beqa nói- “Tôi có thể nghĩ ra những điều tồi tệ mà bà ấy sắp làm. Tôi không viết điều này vì mong ông Trump thắng, mà nó có thể hút khách và tạo ra tiền cho tôi”.

Trong các tháng kể từ khi bắt đầu ngành kinh doanh tin vịt, Beqa cho hay anh đã nhận được một công việc lập trình tại một công ty phần mềm, nơi mà anh cảm thấy có một tương lai tốt hơn. “Đó là một công việc ổn định hơn”- Beqa nói. Nhưng sinh viên mới ra trường này cũng không chịu từ bỏ việc tung tin giả.

“Có một cuộc bầu cử nào sắp tới diễn ra ở Anh không nhỉ?”- Beqa nói đùa; thêm rằng anh sẽ chờ đợi các cuộc bầu cử sắp tới ở Pháp, Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác- “Có khi tôi nên học thêm chút tiếng Pháp”.

Tại Macedonia, nơi mà ngành kinh doanh tin vịt cũng bùng nổ, một người tạo tin giả về kỳ bầu cử của Mỹ vừa qua có thu nhập trung bình khoảng 1.500 Euro/tháng.

(Theo Đại đoàn kết)