Chuyển đổi đất trồng lúa lớn hơn diện tích chấp thuận của Thủ tướng
Trong tài liệu gửi Quốc hội, báo cáo chi tiết kết quả kiểm toán chuyên đề về việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020 và việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng thủy điện nhỏ giai đoạn 2016-2020, KTNN đánh giá, việc lập, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2020 của cấp tỉnh, thành phố chưa đảm bảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không bố trí đủ vốn để triển khai thực hiện các dự án như ở Quảng Ngãi, Yên Bái, TP Cần Thơ.
Việc tham mưu ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm chưa đảm bảo quy định ở Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Lạng Sơn, Kiên Giang; Đà Nẵng, Cần Thơ.
Cũng theo KTNN, việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất dự án trong đô thị còn nhiều tồn tại, bất cập, theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Cụ thể, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phân khu thiếu đồng bộ khiến tình trạng tổ chức, cá nhân được chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, đất sản xuất, kinh doanh nhưng lại không đủ điều kiện cấp phép xây dựng do mục đích sử dụng đất không phù hợp với chức năng sử dụng đất trong quy hoạch phân khu ở TP.HCM.
Việc chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp lớn hơn diện tích theo văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ ở tỉnh Vĩnh Long.
Hồ sơ thuê đất, giao đất chưa phù hợp với quy hoạch chi tiết 1/500, chưa phù hợp quy hoạch sử dụng đất ở giai đoạn 2015-2020 ở TP Cần Thơ; hay dự án đã giao đất thi công hạ tầng khu dân cư nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tham mưu ban hành quyết định giao đất ở Đà Nẵng.
Ngoài ra, Kiểm toán phát hiện việc thẩm định về nhu cầu và điều kiện giao đất có diện tích giao đất lớn hơn kế hoạch sử dụng đất được duyệt ở Quảng Ngãi.
Một số đồ án quy hoạch chưa hướng dẫn cho các chủ đầu tư thực hiện các thủ tục về đất đai và tham mưu cho cơ quan có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất theo quy định (Bình Định), chưa có quyết định thu hồi đất, giao đất của các cấp thẩm quyền, nhưng nhà đầu tư đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật (Kiên Giang).
Một số tồn tại khác cũng bị cơ quan Kiểm toán Nhà nước chỉ ra như chậm chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát và truy thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.
Một số dự án có điều chỉnh quy hoạch phải xác định lại nghĩa vụ tài chính hoặc đang được địa phương chỉ đạo kiểm tra, rà soát xác định lại nhưng chưa thực hiện đúng quy định như Hà Nội, Đà Nẵng; Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Bình Định, An Giang, Vĩnh Long.
Về công tác cấp phép xây dựng (CPXD), Kiểm toán Nhà nước chỉ ra có những trường hợp cấp GPXD cho các trường hợp không thuộc đối tượng, chưa đảm bảo quy định; tổ chức CPXD chưa đảm bảo trình tự, thủ tục, thời gian; hồ sơ CPXD có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất chưa đảm bảo; GPXD được cấp không đảm bảo quy định, điều chỉnh GPXD còn bất cập.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, công tác quản lý sau CPXD vẫn còn nhiều tồn tại như nhiều công trình, dự án xây dựng khi chưa được cấp phép hoặc không đúng so với GPXD. Hầu hết địa phương chưa tổ chức kiểm tra hành vi vi phạm trật tự xây dựng kịp thời; áp dụng mức phạt vi phạm chưa phù hợp; chưa quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả; kiểm tra chưa triệt để, kiên quyết.
Một số dự án chuyển mục đích sử dụng so với GPXD không đúng quy định như tại TP.HCM, Thái Nguyên.
“Quên” quỹ đất 20% xây nhà ở xã hội
Báo cáo về chuyên đề việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng tại các đô thị giai đoạn 2017-2020, KTNN cho biết công tác ban hành văn bản còn bất cập, chưa kịp thời, đầy đủ.
Trong đó, Hà Nội và TP Cần Thơ chưa rà soát định kỳ đối với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. TP.HCM, Bình Định, UBND TP Yên Bái chưa kịp thời ban hành, điều chỉnh các văn bản quy định về quản lý quy hoạch đô thị.
Một số địa phương chưa tổ chức lập, phê duyệt và ban hành quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch còn chồng chéo, các văn bản quản lý quy hoạch đô thị không phù hợp; Sở Xây dựng không có văn bản hướng dẫn kiểm tra, tổ chức thực hiện; Cấp phép xây dựng và quản lý sau cấp phép trên cơ sở văn bản hết hiệu lực hoặc không phù hợp…
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh đồ án quy hoạch đô thị tại 18 địa phương, cơ quan kiểm toán cũng chỉ ra nhiều tồn tại.
Cụ thể, đồ án quy hoạch chung đô thị chưa phù hợp, thống nhất và còn chậm như ở Khánh Hòa, An Giang, Đồng Tháp; Đồ án quy hoạch phân khu chưa đảm bảo, xác định các thành phần sử dụng đất còn thiếu như ở Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ; Bắc Ninh, Tuyên Quang, Bình Định, An Giang. Hay đồ án quy hoạch chi tiết chưa phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu về mục đích sử dụng đất như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Vĩnh Long; Bình Định; Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP.HCM.
Đáng chú ý, KTNN điểm tên nhiều địa phương bố trí chưa đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Yên Bái, Thái Nguyên, Kiên Giang, Khánh Hòa, TPHCM; hay Quảng Nam chưa đảm bảo 20% diện tích đất ở hoặc chuyển thành đất nhà ở thương mại.
Thậm chí Thái Nguyên; Khánh Hòa còn không dành 20% tổng diện tích đất ở trong các đồ án quy hoạch chi tiết để xây dựng nhà ở xã hội.
Việc thẩm định, phê duyệt điều chỉnh đồ án quy hoạch chi tiết, quy hoạch chung điều chỉnh, quy hoạch phân khu chưa có ý kiến cơ quan có thẩm quyền ở Quảng Ngãi; chưa tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư ở Bình Định hoặc cơ quan, tổ chức có liên quan như ở Quảng Nam.
Thuận Phong
UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét về nội dung xác định nghĩa vụ tài chính của các dự án chuyển đổi mục đích có vị trí đắc địa Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có kết luận trước đó.