Động lực tinh thần cho kiều bào trở về quê hương 

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Toàn Phương cho biết, hiện cộng đồng người Việt ở Mỹ có khoảng 2 triệu người. Do hoàn cảnh lịch sử, một số bộ phận người Việt ở đây có những mặc cảm, góc nhìn khác biệt về quê hương đất nước nhưng đó chỉ là phần nhỏ.

“Theo nhìn nhận của tôi, đa phần người Việt Nam ở Mỹ, kể cả người trước đây có bất đồng chính kiến thì nay đã có ánh mắt thiện cảm tốt đẹp với quê hương Việt Nam”, ông nhận xét.

Minh chứng cho điều này là hàng triệu người đã về thăm quê hương, người thân của mình để chứng thực những bước phát triển kinh tế xã hội từng ngày của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt thân tình với kiều bào tại San Francisco - Ảnh: Nhật Bắc

“Qua đó minh chứng quê hương Việt Nam tươi mới hơn, phồn vinh hơn và trở thành động lực tinh thần cho những người chưa về sẽ tiếp tục trở về quê hương”, ông Phương vừa dứt lời, cả hội trường vỗ tay hưởng ứng.

Với tư cách là một doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), ông Phương bày tỏ mong muốn được trở về hoặc kết nối đầu tư giữa 2 nước để đóng góp nhiều hơn cho quê hương.

Tuy nhiên, ông cũng nêu trở ngại, DNVVN chưa quen với đầu tư trong nước, không biết khi gặp vướng mắc thì sẽ được cơ quan nào hỗ trợ giúp đỡ. Ở đây là hỗ trợ hiệu quả, thậm chí là đồng ý giải quyết những vướng mắc về luật pháp, thông lệ hai nước...

Ngoài ra, ông cũng lo ngại về tình trạng triển khai chính sách kiều bào ở các cấp còn khác nhau. Có lẽ vì thế mà cộng đồng doanh nhân gốc Việt tại Mỹ còn băn khoăn khi quyết định có đầu tư về quê nhà.

Từ đó, ông mong muốn các vướng mắc này được Chính phủ và các cấp quan tâm giải quyết để cộng đồng doanh nhân Mỹ nói riêng và kiều bào ở nhiều nơi trên thế giới yên tâm tham gia đầu tư phát triển kinh tế trên quê hương Việt Nam.

Đa phần người Việt tại Mỹ đều dành tình cảm tha thiết cho quê hương - Ảnh: Nhật Bắc

“Chính phủ nên thành lập Ban công tác đặc biệt về kiều bào và bổ sung thêm các chính sách phù hợp với tình hình mới. Khi đó nguồn lực kiều bào khơi dậy tốt hơn, thật sự trở thành nội lực phát triển đất nước”, ông Phương hiến kế.

Thượng tọa Thích Đức Tuấn, Chủ tịch Hội phật giáo Việt Nam tại châu Mỹ cảm động với việc Thủ tướng đã sát cánh cùng nhân dân trong nước cũng như người Việt ở nước ngoài trong phòng chống dịch Covid-19.

“Qua những trở ngại, khó khăn đó mới thấy sự đoàn kết của toàn dân. Người miền Nam, miền Bắc hay miền Trung thì đều là người Việt Nam máu đỏ da vàng, đều có một tinh thần yêu nước từ trong đáy lòng mình. Tình cảm đó không bao giờ thay đổi”, Thượng tọa chia sẻ.

Thượng tọa gửi đến Thủ tướng kiến nghị liên quan đến việc gìn giữ văn hóa, tiếng Việt. Thực tế có nhiều cháu ở thế hệ thứ 3 gần như quên tiếng Việt. “Vì vậy cần chú ý duy trì, sinh hoạt tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để các cháu không quên đi nguồn gốc”, Thượng tọa nhấn mạnh.

Em Lê Liên, Hội thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Mỹ bày tỏ nhận thức tầm quan trọng của việc đóng góp một phần công sức của mình vào phát triển đất nước. Trăn trở này không chỉ của riêng em mà của rất nhiều người Việt tại nước ngoài. 

“Nhiều trí thức trẻ sau thời gian dài tu nghiệp ở nước ngoài có mong muốn về quê hương cống hiến. Tuy nhiên, do có sự khác biệt về văn hóa, do thời gian dài ở xa Việt Nam nên đa phần trí thức trẻ chọn làm việc ở khu vực tư nhân. Còn nhóm trí thức muốn tham gia trực tiếp vào bộ máy nhà nước lại chưa có điều kiện để tiếp cận những cơ hội làm việc, thông tin về thi tuyển công chức hàng năm”, Lê Liên nêu thực tế.

Từ đó, em rất mong Thủ tướng và các bộ trưởng xem xét kiến tạo một cổng thông tin tổng hợp các cơ hội việc làm trong bộ máy nhà nước để trí thức đang ở nước ngoài có thể tìm hiểu, chuẩn bị trước khi trở về quê hương...

Ngoài ra, một số kiều bào nhắn nhủ đến Thủ tướng và các bộ ngành không đưa môn Lịch sử thành môn học tự chọn, mà phải tăng cường dạy các môn khoa học xã hội, trong đó có môn sử với phương cách dạy hấp dẫn.

Quê hương mỗi người chỉ một

Chia sẻ với bà con kiều bào về những khó khăn trong quá trình phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: "Đó là những mất mát mà trước đây chúng ta chưa từng thấy".

Dù vậy, qua sự khó khăn, tinh thần đại đoàn kết dân tộc càng nhân rộng, càng thấm thía "dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp của bà con Việt kiều nói chung và kiều bào tại Mỹ nói riêng vào những thành tựu chung của đất nước, vào quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh: Nhật Bắc

Người đứng đầu Chính phủ cảm ơn bà con kiều bào trong suốt 35 năm qua đã đóng góp cả vật chất và tinh thần để xây dựng đất nước, để đất nước "có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay.

Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước xác định "người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể thiếu, không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam". Vì "quê hương mỗi người chỉ một. Gia đình và đất nước tuy hai mà một, tuy một mà hai. Càng xa nhà, càng cao tuổi thì lại càng hướng về quê hương, đất nước, đúng theo câu người xưa đã nói là “lá rụng về cội”.

Thủ tướng vừa dứt lời, một tràng pháo tay giòn giã từ kiều bào vang lên khắp hội trường.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắn nhủ, bà con Việt kiều phải cố gắng giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, yêu thương tôn trọng lẫn nhau, có tình cảm chân thành với người thân, bạn bè. Tổng Bí thư nói “văn hóa còn thì đất nước còn”, nói đến văn hóa là nói đến lịch sử, văn hóa Việt Nam là không chịu khuất phục, càng khó khăn càng mạnh mẽ, không tự ti dân tộc.

Thủ tướng mong muốn bà con kiều bào luôn khỏe mạnh, sinh sống, làm việc, học tập ổn định, kinh doanh phát triển, luôn tự hào, giữ gìn, phát huy và phát triển bản sắc văn hóa Việt Nam, hướng về quê hương đất nước - Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan đại diện ở nước ngoài chăm lo đời sống của bà con. Các cơ quan tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho bà con đang sinh sống ở nước sở tại.

"Khi làm việc với lãnh đạo Mỹ và người có trách nhiệm, tôi đều đề cập vấn đề này. Họ tán thành và đánh giá cao đóng góp của người Việt cho họ, và trên tinh thần luật pháp, họ sẽ tạo điều kiện giúp đỡ", Thủ tướng cho hay.

Về đề nghị không để môn lịch sử là môn học tự chọn, Thủ tướng cho biết vừa qua đã chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các nhà khoa học và người dân để tiếp thu, từ đó giảng dạy lịch sử phù hợp với tình hình. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã giải thích rằng, học sinh học hết cấp 2 đã có kiến thức cơ bản về lịch sử. Do đó, từ lớp 10 đến 12 là lựa chọn.

Thủ tướng và bà con kiều bào tại cuộc gặp gỡ - Ảnh: Nhật Bắc

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan cân nhắc. Bởi truyền thống văn hóa lịch sử chưa được phổ biến nhiều, trong khi kho tàng truyện truyền thuyết của Việt Nam có rất nhiều câu chuyện ý nghĩa.

Đơn cử như truyện Sơn Tinh Thủy Tinh dạy "nước dâng đến đâu nhà cao đến đó; truyện Âu cơ trăm trứng thì nhắc nhở dù sống trên rừng hay dưới biển, dù sống trong hay ngoài nước đều là anh em; hay truyện Thánh Gióng nói về lòng yêu nước, khi cậu bé chỉ mới 3 tuổi nghe đất nước có giặc đã vươn vai lớn nhanh đi đánh giặc...

"Liên quan đến đào tạo ngắn hạn cho sinh viên ở nước ngoài, tôi thấy rất cần thiết vì học nước ngoài lâu năm thiếu thông tin, thiếu kiến thức pháp luật trong nước. Chính phủ sẽ cùng Bộ Ngoại giao nghiên cứu tổ chức thực hiện", Thủ tướng cho hay.

Thu Hằng (từ San Francisco)