Theo Guardian, trong ngày 26/6 (giờ địa phương), sau hơn 3 tuần yên ắng, thủ đô Kiev đã phải chịu một đợt tấn công tên lửa từ Nga.

Cụ thể, các nhân chứng cho biết, nhiều tiếng nổ lớn đã xảy ra vào khoảng 6h30 sáng, sau đó là những cột khói đen và hỏa hoạn xuất hiện tại nhiều nơi ở thủ đô Kiev. Ngay khi vụ việc xảy ra, lực lượng chức năng đã có mặt tại các khu vực bị ảnh hưởng, hiện chưa ghi nhận thương vong nào từ các vụ nổ. Một phóng viên tiết lộ, có khoảng 14 tên lửa đã được sử dụng trong cuộc pháo kích.

Một bé gái được đưa khỏi hiện trường vụ nổ tại Kiev. Ảnh: Guardian

Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết, lực lượng cứu hộ đang khẩn trương dập tắt các đám cháy và hỗ trợ các nạn nhân. Đáng chú ý, giới chức Ukraine cũng đưa ra cáo buộc nhiều tên lửa gây ra vụ việc đã được phóng đi từ không phận Belarus.

Lãnh đạo các nước G7 sẽ cấm vận vàng Nga

Theo Reuters, trong ngày 26/6, Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo các nước G7 thông báo sẽ áp đặt lệnh cấm vận xuất khẩu với vàng Nga.

"Mỹ và các nước G7 sẽ ra lệnh cấm vận với vàng Nga, đây là mặt hàng đang giúp Moscow thu lợi hàng chục tỷ USD", ông Biden cho biết.

Tổng thống Biden có mặt tại Đức để dự hội nghị G7. Ảnh: AP

Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố hành động tập thể của G7 sẽ đánh thẳng vào giới tài phiệt, khiến cho kinh phí của các hoạt động quân sự của nước này bị gián đoạn.

Cụ thể, cấm vận vàng là đòn trừng phạt kinh tế tiếp theo mà phương Tây giáng vào Nga, nhằm giảm bớt nguồn thu của Moscow dùng cho các hoạt động quân sự. Lệnh cấm vận sẽ được công bố chính thức vào ngày 28/6, quyết định này được cho đánh giá là sẽ cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính quốc tế.

Trước lệnh cấm vận vàng, Liên minh châu Âu đã đưa ra lệnh cấm vận dầu Nga, hoạt động mang lại nguồn thu lớn nhất cho Moscow. Ngoài ra, các ngân hàng lớn của Nga cũng bị loại khỏi hệ thống mạng lưới viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Tuy vậy, ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt này là không lớn, khi Nga vẫn có nguồn thu lớn từ việc bán nhiên liệu cho các đối tác châu Á.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga tới thăm binh sĩ

Theo hãng thông tấn TASS, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đã có chuyến thị sát với quân đội Nga đang có mặt Ukraine.

Cụ thể, một đoạn video được ghi lại cho thấy, ông Shoigu bước xuống máy bay trong bộ quân phục, trước khi bắt tay và trò chuyện với các quan chức quân sự đang hoạt động tại Ukraine. Bộ trưởng Shoigu cũng thăm hỏi và động viên các binh sĩ, trao huân chương cho các cá nhân có đóng góp nổi bật trong "chiến dịch đặc biệt".

Tổng thống Indonesia kêu gọi đối thoại hòa bình

Theo Guardian, trước khi lên đường tham dự hội nghị G7 tại Đức, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lên tiếng kêu gọi đối thoại nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine.

"Cuộc xung đột cần phải dừng lại, nó không mang lại kết quả tốt đẹp nào cho cả 2 phía. Chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu cũng cần phải được nối lại ngay lập tức", ông Widodo cho hay,

Việt Dũng