Những hình ảnh quay dưới kính hiển vi của bác sĩ nhãn khoa hé lộ, thủ phạm đáng sợ gây đau mắt cho một bệnh nhân nữ là một con giun trắng, dài đang ngọ ngoậy trong cơ quan thị giác của cô.
Hiện vẫn chưa rõ đoạn clip được quay ở đâu cũng như danh tính của bệnh nhân nữ trong đoạn clip nói trên.
Tuy nhiên, những hình ảnh quay trong quá trình bác sĩ nhãn khoa khám bệnh hé lộ, con giun ký sinh đang oằn mình ngọ ngoậy ở nửa dưới tròng đen mắt của bệnh nhân, trước khi di chuyển lên phía trên con ngươi. Bệnh nhân dường như không đau hay chớp mắt trong khi bác sĩ tiếp tục kiểm tra mắt của cô.
Đoạn clip vừa được chia sẻ trên trang LiveLeak.com và ngay lập tức thu hút tới hơn 18.000 người xem cùng 200 bình luận khác nhau. Đa số các ý kiến bày tỏ sự ghê sợ trước những gì được nhìn thấy.
Trong đoạn chú giải đăng kèm clip, tài khoản đã đăng tải nó ở Australia nói, anh ta còn có một đoạn clip khác về quá trình gắp lấy con giun ra khỏi mắt. Tuy nhiên, người này nói thêm: "Tôi không chắc các bạn có muốn xem quá trình điều trị hay không ... việc xem nó không dễ chịu chút nào". Anh cũng yêu cầu mọi người biểu quyết về vấn đề này.
Sinh vật nói trên được xác định là một loài giun tròn ký sinh trong đường ruột của người. Giới khoa học hiện đã biết tới hơn 15.000 loài giun tròn khác nhau. Trong khi một số loài chỉ rõ thấy dưới kính hiển vi, số khác có thể đạt tới chiều dài 2 mét.
Ngoài ra, nhiều loài giun tròn có thể truyền bệnh đe dọa tính mạng cho con người. Con người thường bị nhiễm giun ký sinh thông qua ăn thịt chưa được nấu chín kỹ hoặc thông qua tiếp xúc với phân hoặc nước nhiễm bẩn phân từ con người hoặc động vật mang mầm bệnh.
Giáo sư Mark Viney, một nhà sinh vật học chuyên về giun tròn ký sinh, đến từ Đại học Bristol (Anh), giải thích rằng, giun tròn được tìm thấy ở mắt thường do côn trùng truyền nhiễm.
"Có một nhóm các loài giun tròn do côn trùng truyền nhiễm. Người bị côn trùng cắn và ấu trùng của giun được tiêm vào cơ thể người thông qua vết cắn. Ấu trùng lớn lên thành cá thể trưởng thành, rồi đẻ con và một số con của chúng có thể di chuyển xuyên qua các mô và cuối cùng kết thúc ở mắt", ông Viney cho biết.
Ông Viney nhận định, con giun ký sinh trong đoạn clip dường như xuất hiện ở vùng thủy dịch - màng dịch sền sệt tồn tại giữa thủy tinh thể và giác mạc. Nó có thể không phải là cá thể trưởng thành, vì các giun tròn trưởng thành thường cắm chốt ở những nơi khác trong cơ thể.
Theo ông Viney, giun tròn có thể sống trong mắt người do loài của nó đã tiến hóa để ký sinh bên trong cơ thể động vật và làm thay đổi phản ứng miễn dịch của vật chủ để có thể tồn tại. Cụ thể là, chúng tiết ra các phân tử tương tác với các phân tử khác trong hệ miễn dịch của vật chủ và làm thay đổi chúng.
Ở nhiều nơi trên thế giới, việc nhiễm ký sinh trùng ở mắt là nguyên nhân chính dẫn đến mù loài, theo tạp chí Current Opinion in Opthalmology. Tình trạng nhiễm giun tròn ở mắt được ghi nhận xảy ra ở khắp nơi trên thế giới, nhưng có một số dạng thường chỉ phổ biến ở các nước đang phát triển.
Một báo cáo thống kê trên tạp chí Ophthalmology Clinics of North America cho biết, ở những vùng dịch, gần như mọi người đều bị nhiễm giun tròn ký sinh ở mắt và gần 1/2 dân số cuối cùng sẽ bị mù lòa.
Bệnh hiện được chữa trị bằng thuốc kháng ký sinh trùng, phẫu thuật loại bỏ giun và các biện pháp can thiệp chẳng hạn như tẩy giun cho động vật để phân mang giun của chúng không thể lây nhiễm cho con người.
Tuấn Anh (Theo Daily Mail)