Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2022 là 12,67%
Phát biểu tại hội thảo phương pháp đo lường và kết quả biên soạn chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP tại Việt Nam ngày 4/12, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho hay, kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước chú trọng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ hệ thống tài khoản Quốc gia (Tổng cục Thống kê) thông tin, tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 12,75% và năm 2022 là 12,67%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,77% (chiếm 61,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%).
Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,11%; số hóa trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2020-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.
Giai đoạn 2020-2022, quy mô kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường. Đặc biệt, các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,54% năm 2020 lên 6,61% năm 2022.
Một số địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2022 trong GRDP cao, chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: Bắc Ninh (46,75%), Thái Nguyên (34,24%), Bắc Giang (32,42%), Hải Phòng (27,22%), Vĩnh Phúc (24,67%)….
Đây là những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các hoạt động kinh tế số lõi, do đó giá trị tăng thêm của kinh tế số lõi chiếm khoảng 87%- 96% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số tại các tỉnh này.
Tỷ trọng kinh tế số của TP Hà Nội đạt 15,41% (kinh tế số lõi chiếm khoảng 75%) và của TP Hồ Chí Minh là 13,51% (kinh tế số lõi chiếm khoảng 69%).
Sẽ công bố chính thức vào ngày 29/12
Đóng góp ý kiến tại hội nghị, ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội cho biết, theo kế hoạch, Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số đạt 30%. Tuy nhiên, hiện nay, theo số liệu tính toán của TCTK, năm 2022 đạt 15,41%, có một khoảng cách xa so với mục tiêu.
“Mặc dù vậy, Hà Nội vẫn có những bước tăng về tỷ trọng kinh tế số. Tỷ trọng của Hà Nội đạt 15,41% cũng là cao vì quy mô kinh tế của Hà Nội rất lớn, hiện là 1,2 triệu tỷ GRDP theo giá hiện hành là con số rất lớn. Với tỷ trọng 15,41% tuy thấp hơn 30% nhưng nếu nói về giá trị tuyệt đối là cao”, ông Hùng nói.
Lãnh đạo cơ quan thống kê Hà Nội cho biết, hiện nay, chỉ tiêu này có nhiều cơ quan tính và nhiều nghiên cứu. Chẳng hạn, Bộ TT&TT đưa ra tỷ trọng kinh tế số của Hà Nội là 17,5% (năm 2022); một nghiên cứu của Trường ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp với thành phố nghiên cứu thì năm 2021, kinh tế số của Hà Nội đạt 23,5%; tuy nhiên, kinh tế lõi cũng chỉ trên 10%.
Chính vì thế, ông Hùng mong muốn, thời gian tới, công tác đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu kinh tế số với cả nước và các tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội sẽ có đánh giá xác thực hơn.
Đại diện Cục Thống kê TP.HCM cho rằng, cách tính tỷ trọng kinh tế số so với GDP, GRDP, phương pháp tính và số liệu tiếp cận không giống nhau. Đối với cả nước dựa trên bảng cân đối liên ngành theo tiếp cận cả cung – cầu. Đối với các tỉnh, thành phố dựa vào giá trị số hóa trên chi phí công nghệ thông tin áp dụng để tạo ra giá trị sản phẩm của các ngành. Nếu áp dụng một hệ số chung cho cả nước cũng sẽ có ảnh hưởng đến kết quả tính toán của từng thành phố ở phần kinh tế số hóa.
Thống nhất với cách tiếp cận của Tổng cục Thống kê, bà Mai Thị Thanh Bình, chuyên gia nghiên cứu Ban CNTT, Viện Chiến lược TT&TT thuộc Bộ TT&TT cho rằng, hiện rất khó để đo được 3 vòng như định nghĩa ban đầu là kinh tế số lõi, kinh tế số trong nền tảng và kinh tế số ngành, lĩnh vực.
“Chúng tôi cũng đang tiếp cận giống phương pháp của Tổng cục Thống kê, đó là đo lường kinh tế số với 2 vòng: kinh tế số lõi ICT và kinh tế số lan tỏa trong các ngành, lĩnh vực. Mong rằng, thời gian tới Tổng cục Thống kê và Bộ TT&TT cùng thống nhất lại mã ngành về kinh tế số ICT. Bởi, hiện nay, Sở TT&TT các địa phương cũng mong muốn cung cấp cho họ danh mục mã ngành để họ quản lý đầu doanh nghiệp để thúc đẩy thời gian tới”, bà Bình cho hay.
Bà Bình mong muốn, nhóm nghiên cứu của Tổng cục Thống kê sớm hoàn thiện để công bố chính thức để các địa phương kịp thời báo cáo Chính phủ về số liệu chính thức.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định, kết quả được Tổng cục Thống kê nghiên cứu và công bố về chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP dựa trên cơ sở lý luận và phương pháp tính đã được công nhận, đảm bảo tính so sánh quốc tế cũng như có xét đến sự phù hợp với tình hình chung của cả nước.
Tổng cục Thống kê cho biết, dự kiến kết quả tính toán chỉ tiêu giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP của Việt Nam sẽ được công bố chính thức vào ngày 29/12 tới.