Bốn kỳ tích lịch sử
Trước hơn 300 đại biểu cán bộ ngoại giao các thế hệ, từ bậc “cây đa cây đề” là nguyên các bộ trưởng Ngoại giao đến những gương mặt trẻ 8X - 9X tham dự hội thảo khoa học “75 năm Ngoại giao Việt Nam: Bài học kinh nghiệm và định hướng”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan là người phát biểu mở đầu.
Đánh giá thành tựu của đất nước trong 75 năm qua, nguyên Phó Thủ tướng chỉ ra 4 kỳ tích.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan |
Việt Nam là nước đầu tiên trong thế giới thuộc địa vùng lên, lấy sức mình giành lại chủ quyền dân tộc, lập nên Nhà nước dân chủ nhân dân.
Là một nước không lớn, người không đông, lực lượng vật chất chưa mạnh, Việt Nam đã lần lượt đẩy lùi hết thế lực ngoại xâm này tới thế lực ngoại xâm hùng mạnh khác, giữ vững độc lập, thống nhất giang sơn, bảo toàn biên cương.
Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, nay Việt Nam ghi tên mình trong danh sách các thành viên chủ động, tích cực, đầy trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế với vị thế ngày càng cao.
Kỳ tích thứ tư là nước không có tên trên bản đồ trở thành nước có quan hệ đối ngoại rộng rãi, vị thế quốc tế rất cao, trở thành điểm sáng trong thế giới ngày nay.
Nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong toàn bộ những dấu ấn lịch sử ấy, nền ngoại giao nước nhà do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và kiêm chức Bộ trưởng đầu tiên đã có những đóng góp lớn lao, đem lại nhiều bài học quý giá.
Bàn về những bài học này, ông Vũ Khoan cho rằng điều đầu tiên là kiên định những mục tiêu cơ bản phản ánh lợi ích thiết thân của dân tộc, thuận chiều với xu thế thời đại.
Nguyên Phó Thủ tướng dẫn chứng khi ký kết các điều ước quốc tế quan trọng như Hiệp định Geneva năm 1954 và Hiệp định Paris năm 1973, cho dù chưa đạt được yêu cầu thống nhất đất nước ngay, các nhà ngoại giao Việt Nam đã kiên trì đấu tranh vào văn bản cam kết của đối phương công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.
Trong thời bình, những mục tiêu trên là nền tảng quan trọng để tạo dựng môi trường ổn định để phát triển đất nước và nâng cao vị thế quốc gia.
Các diễn giả tham dự hội thảo |
Một bài học nữa, theo ông, là liên quan tới sự sắp xếp lực lượng để đạt mục tiêu, trong đó, nhân tố quan trọng hàng đầu là phải có thực lực mạnh. “Thực lực” nói ở đây bao gồm cả “sức mạnh cứng” về kinh tế và quốc phòng lẫn “sức mạnh mềm” như truyền thống quật cường, tinh thần đoàn kết, tố chất nhân văn, tính cách rộng mở của con người Việt Nam…
Bài học tiếp theo, như nhận định của nguyên Phó Thủ tướng là vận dụng nhuần nhuyễn những phương châm hành động thích hợp. “Nhất thiết phải phân tích cặn kẽ sự sắp xếp lực lượng các thế lực 'bên kia chiến tuyến'. làm rõ những điểm đồng và điểm dị giữa họ với nhau, phân tích rõ ai là đối thủ chủ yếu cần tập trung mũi nhọn đấu tranh, ai là thế lực có thể tranh thủ để từ đó hoạch định phương hướng hành động, khai thác những mâu thuẫn giữa họ với nhau”, ông nói.
Chuyến thăm Pháp của Bác Hồ
Tại hội thảo, nguyên Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm nhớ lại thời kỳ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới thành lập, trong thế “đơn thương, độc mã”.
Nguyên Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm |
Khi đó, bằng đường lối độc lập tự chủ, trong điều kiện đơn độc, ta đã thực hiện chính sách hòa hoãn: hòa hoãn với quân Tưởng Giới Thạch để tập trung đối phó với thực dân Pháp, sau đó hòa hoãn với Pháp để đuổi được quân Tưởng về nước. Tiếp đó ta ký Hiệp ước 6/3/1946 với Pháp và sau đó ký Tạm ước 14/9/1946. Việc ký hai văn kiện này không những đem lại cho ta thời gian cần thiết để tăng cường thực lực, mà còn khẳng định vị trí pháp lý quốc tế của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa.
Ông Nguyễn Mạnh Cầm kể lại chuyến thăm Pháp với tư cách là thượng khách của Bác Hồ. Chuyến thăm và các cuộc tiếp xúc của Bác ở Pháp và một số nước trên đường đến Pháp, không những để thế giới biết về một nước Việt Nam đã giành được độc lập, mà còn đặt cơ sở vững chắc tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp và các nước thuộc địa của Pháp đối với cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta sau này.
Bức thư của của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ông Nguyễn Mạnh Cầm đề cập tới vai trò ngoại giao trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông chỉ ra rằng, từ chỗ ngoại giao phản ánh thắng lợi trên chiến trường, đến ngoại giao phối hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị giành thắng lợi, và cuối cùng ngoại giao đã trở thành một mặt trận đấu tranh quan trọng có ý nghĩa chiến lược.
“Vai trò đấu tranh ngoại giao càng quan trọng vì chúng ta đương đầu với một kẻ thù lớn mạnh hơn nhiều, có một chiến lược toàn cầu và những hoạt động ngoại giao toàn cầu”, ông đánh giá.
Nhà ngoại giao kỳ cựu đề cập tới bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu năm 1966 gửi đến các vị đứng đầu nhiều nước trên thế giới. Bức thư làm sáng tỏ lập trường hòa bình của nhân dân ta là hòa bình chân chính, trên cơ sở độc lập, tự do thật sự.
“Để đạt được và bảo vệ lợi ích tối cao của dân tộc, trong mọi chính sách và hoạt động đối ngoại đòi hỏi phải giữ vững độc lập, tự chủ. Chỉ có độc lập, tự chủ mới chủ động tránh được sức ép của bên ngoài, đảm bảo được lợi ích của dân tộc”, ông Nguyễn Mạnh Cầm nhấn mạnh.
Cái ‘phễu’ trong lãnh đạo của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch
Nhớ lại những ngày đầu đất nước tiến hành công cuộc Đổi mới, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên kể lại câu chuyện nguyên Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho lập một cái “phễu” trong lãnh đạo Bộ.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên |
“Đồng chí Thạch rất quan tâm đến công tác nghiên cứu và rất nhạy cảm với cái mới. Để tập trung cho công tác nghiên cứu, đồng chí cho lập một cái 'phễu' trong lãnh đạo Bộ do một thứ trưởng phụ trách xử lý tất cả những công việc hàng ngày để các lãnh đạo Bộ khác tập trung nghiên cứu”, ông cho biết.
Nhờ đó, những vấn đề có tính chiến lược như quan hệ giữa các nước lớn và chiến lược của các nước lớn, giải pháp cho vấn đề Campuchia, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc và dự thảo nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và vấn đề nhân quyền, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á và việc gia nhập ASEAN... đã được triển khai rất khẩn trương.
“Mô hình này sau phải điều chỉnh và cái 'phễu' quá tải nhưng vấn đề nghiên cứu chiến lược mà trong đó đổi mới tư duy đối ngoại được vận dụng hiệu quả vẫn hết sức tập trung. Nhờ những cố gắng đó mà Ngoại giao đã góp phần tích cực vào việc xử lý những vấn đề quốc tế quan trọng trực tiếp đến ta.
Tuy vậy, để đạt được điều đó rất gian truân vất vả, nhất là ở thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới. Có những lúc đồng chí Nguyễn Cơ Thạch và chúng tôi mất ăn mất ngủ và có cảm giác như mình đang húc đầu vào tường”, ông Nguyễn Dy Niên nói.
Thái An
Tấm lòng người sử dụng nhân tài trong mắt nguyên Phó Thủ tướng
Cơ chế, chính sách đóng vai trò rất quan trọng song tấm gương và tấm lòng của những người sử dụng nhân tài vẫn là một nhân tố tạo nên sức hút mạnh mẽ nhất.