Trong đó, lãi suất cao nhất của các ngân hàng đối với các khoản tiền gửi cho kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ còn 4,75%/năm. Mức lãi suất kịch trần này được áp dụng phổ biến ở nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân.
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) giảm lãi suất kỳ hạn 3 tháng còn 4,75%/năm, 2 tháng còn 4,55%/năm, 1 tháng còn 4,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng dao động từ 6,3-6,6%/năm tùy số tiền gửi. Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này hiện là 7,45%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) cũng điều chỉnh giảm đồng loạt lãi suất kỳ hạn 1-5 tháng còn 4,7%/năm, thay vì mức 4,85-4,9%/năm như trước đó. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng là 7,2%/năm. Hiện mức lãi suất cao nhất tại Viet Capital Bank là 8,5%/năm với kỳ hạn 13 tháng.
Lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng đồng loạt giảm. |
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang đưa ra mức lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,3-4,7%/năm tùy thuộc vào kỳ hạn gửi, giảm mạnh so với mức 4,9-5%/năm trước đó. Trong đó, nếu gửi 1 tháng lãi là 4,3%/năm, 2 tháng là 4,4%/năm, 3 tháng là 4,5%/năm, 4 tháng là 4,6%/năm còn 5 tháng là 4,7%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng áp dụng mức lãi suất đồng loạt cho kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,6%/năm, giảm 0,4%/năm so với biểu lãi suất cũ.
Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa thông báo lãi suất cho các khoản tiền gửi với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,15-4,75%/năm, tùy thuộc số tiền gửi ít đến nhiều.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,71 - 4,74%/ năm, giảm tối đa 0,3 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Cùng chung xu hướng, ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã thực hiện giảm lãi suất huy động từ 0,2 điểm % cho tất cả kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng tại OCB hiện dao động từ 4,6% - 4,75%/năm.
Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần khác như Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank),... lãi suất tiết kiệm cao nhất dành cho các kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức 4,7-4,8%/năm.
Ở nhóm ngân hàng liên doanh, IndovinaBank (IVB) đang áp dụng mức lãi suất kỳ hạn từ 1 - 3 tháng đồng loạt ở mức 4,75%/năm nếu lĩnh lãi cuối kỳ, còn nếu lĩnh lãi hàng tháng thì lãi suất là 4,74%/năm cho kỳ hạn 2 và 3 tháng.
Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang áp dụng chính sách giảm lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng từ 4,8%/năm xuống còn 4,7%/năm, còn kỳ hạn 1 và 2 tháng vẫn có mức lãi suất 4,3%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với trước đó. Lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày về mức 0,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng cũng chỉ ở mức 5,3%/năm. Lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này vẫn ổn định ở mức 6,8%/năm dành cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.
Tại một ngân hàng thương mại có vốn nhà nước khác là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng cũng còn 4,75%/năm, giảm 0,05%/năm so với tuần đầu tháng 3; lãi suất kỳ hạn 1 tháng đến 3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Còn với các khoản tiền gửi dưới 1 tháng hoặc không kỳ hạn, hầu hết các ngân hàng đều điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,8% xuống cao nhất còn 0,5%/năm.
Động thái đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng được đưa ra sau công bố điều chỉnh giảm trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước 1 ngày trước đó.
Cụ thể, từ ngày 17/3, trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; với các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên, các quyết định dựa trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Quyết định giảm mạnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh Mỹ vừa có một bước nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có. Mới đây, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất cơ bản xuống chỉ còn 0% - 0,25%. Còn các nước cũng đồng loạt ra chính sách để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.
Anh Tuấn