Với vốn đầu tư ít, song một số cửa hàng bún đậu mắm tôm đắt khách ở Hà Nội có thể thu về số lãi 3-5 triệu đồng mỗi ngày.

Lợi nhuận khủng

Tại quán bún đậu nổi tiếng trên đường Đại La (Hai Bà Trưng, Hà Nội), hình ảnh người ngồi ăn chật kín cả vỉa hè đã trở nên quá quen thuộc vào mỗi buổi trưa tại đây. Theo chia sẻ của chủ quán, vào những ngày cao điểm có khi khách đến còn không có chỗ để ngồi.

Quán bắt đầu bán từ 10h sáng trở đi, nhưng nhiều hôm chưa đến 13h ra đến nơi họ đã từ chối không đón thêm khách, vì không còn hàng để bán.

{keywords}

Khách ngồi chật kín vỉa hè tại quán bún đậu trên đường Đại La.

Thông thường khách vào quán sẽ gọi một suất đầy đủ gồm có bún, đậu rán và chả cốm có giá 30.000 đồng. Tính ra chỉ trong vài giờ đồng hồ, với lượng khách ra vào khoảng trên dưới 200 người như vậy cũng có thể giúp chủ quán thu về được ít nhất 5-6 triệu đồng.

Một địa điểm bún đậu nổi tiếng khác của Hà Nội phải kể tới đó là con ngõ 31 trên đường Hàng Khay, Hà Nội. Đây là một con ngõ hẹp đến mức 2 người đi qua nhau cũng khó khăn. Trong ngõ có tới 2 quán bún đậu, mà hầu như không lúc nào có chỗ trống cho khách ngồi. Vậy mà người ta vẫn cứ chen chúc nhau đến đây để được ăn một suất bún đậu mắm tôm, thậm chí cũng không ngại phải đứng chờ đến hàng 10-15 phút để có được chỗ ngồi.

Chỉ cần nhìn lượng khách hay lượng xe trong con ngõ này, người ta cũng có thể phần nào hình dung được mức độ thu nhập khủng của các chủ quán. Chị Chinh, chủ quán cửa hàng Bún đậu Việt tại đây cho biết, vì bán từ sáng sớm cho tới chiều tối nên vào những ngày cao điểm, quán chị có thể đón tới trên dưới 500 khách.

Sau khi trừ tất cả mọi loại chi phí như thuê cửa hàng, nhân viên và các loại nguyên phụ liệu thì mỗi ngày chị cũng có thể thu về được 3-4 triệu đồng.

Mỗi một suất đầy đủ gồm bún, đậu, chả cốm, thịt chân giò, lưỡi và dồi lợn sẽ có giá 45.000 đồng, còn một suất thường tự chọn có giá dao động từ 25.000-35.000 đồng.

Chị Hương, nhân viên văn phòng ở Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: "Chỗ làm cách không xa lắm nên mình cũng hay ra đây ăn trưa thay cơm. Một suất giá 30.000 đồng cũng khá dễ chịu, ăn no bụng mà lại vừa ngon vừa tiện".

Bí quyết để cạnh tranh thành công

Nắm bắt được tâm lý này của khách hàng cùng với các khoản đầu tư không quá lớn, nên các quán bún đậu ở Hà Nội mọc lên ngày càng nhiều hơn. Vì vậy để cạnh tranh tranh thành công thì việc tạo được nét đặc trưng riêng của quán để hút khách mới lại là điều khó.

{keywords}

Bún đậu tại ngõ trên đường Hàng Khay được bày trên mẹt có lót lá chuối để làm cho món ăn thêm phần dân dã, hấp dẫn hơn.

Chị Chinh, chủ quán bún đậu trong ngõ Hàng Khay, Hoàn Kiếm cho biết, vì trong ngõ có hai quán cạnh tranh nhau nên chị cũng luôn cố gắng tạo được lòng tin và sự yên mến của khách.

Thay vì dùng đĩa nhựa để bày đồ ăn như quán bên cạnh thì chị dùng mẹt có lót lá chuối cho món ăn thêm phần dân dã, hấp dẫn. Ngoài ra mỗi suất sẽ được chủ quán tặng thêm một chiếc kẹo cao su để khách hàng dùng sau khi ăn xong.

Bạn Hồng Nhung (Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Mình cũng chưa ăn quán bên kia bao giờ nên không biết quán nào ngon hơn, nhưng được cái có kẹo cao su miễn phí nên cảm giác như được quan tâm nhiều hơn."

Còn theo chủ quán bún đậu trên đường Đại La, chất lượng của mắm tôm quyết định rất lớn tới sự thành công của quán. Tuy nhiên, để pha chế được mắm tôm ngon mà tạo được ấn tượng riêng biệt đối với khách hàng thì lại là cả một nghệ thuật. Điều này có thể thấy, mắm tôm ở quán của cô thường được chan thêm một ít mỡ cay, một nét đặc trưng riêng mà ít nơi khác có. Sau khi vắt quất và đảo đều lên, người ăn sẽ rất ấn tượng với mùi thơm đặc trưng và vị cay ngậy quyện cùng vị ngọt mặn của mắm. Ngoài ra, vì khách đã ngồi chật kín trên vỉa hè nên cô đã phải xin phép ngõ đối diện cho khách của mình để xe. Có người trông xe miễn phí nên khách vào ăn cũng cảm thấy rất hài lòng. Vì khá nổi tiếng và được nhiều người yêu mến nên quán lúc nào cũng đông kín chỗ. Trong khi ở quán bên cạnh cách đó vài nhà gần như không có khách, một buổi trưa lác đác chỉ có 5-10 người.

Những dịch vụ ăn theo cũng hốt bạc

Thông thường tại các quán bún đậu quá đông khách, họ sẽ không phục vụ thêm nước giải khát, tuy nhiên, khi đó sẽ có những quán nước ở bên cạnh mọc lên để "hỗ trợ".

Như tại một gánh bún đậu vỉa hè khá đông khách tại khu vực ngã ba Nam Cao - Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội), mỗi ngày chủ quán nước ở bên cạnh có thể bán được gần trăm cốc trà đá, với giá 3.000 đồng một cốc, còn kẹo cao su là 1.000 đồng một cái. Chỉ trong một buổi trưa chủ, quán nước này cũng có thể thu về trên dưới 200.000 đồng nhờ hàng bún đậu bên cạnh. Tuy nhiên, dịch vụ được "dựa hơi" nhiều nhất phải kể đến chính là dịch vụ trông giữ xe. Tại ngõ 31 Hàng Khay, khách chỉ mới phóng xe lên vỉa hè để đi vào ngõ thôi là đã có người đon đả chạy ra để dắt xe hộ. Tuy nhiên mỗi lần "hộ" như vậy thì khách hàng cũng phải trả tới 10.000 đồng mỗi xe, còn ở sâu trong ngõ có giá "hữu nghị" hơn là 5.000 đồng một xe.

{keywords}

Những chiếc xe xếp thành hàng dài từ đầu ngõ vào đến trước cửa quán bún đậu, mỗi xe có giá 10.000 đồng một lượt trông

Với lượng khách nườm nợp cả hai quán trong ngõ, ước tính nếu mỗi ngày có khoảng 500 xe ra vào thì số tiền mà những người này thu được có thể lên tới 2,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, nhiều khách hàng tỏ ra không hài lòng vì việc ăn bún đậu cũng phải mất tiền gửi xe như vậy, bởi tiền bún đậu ăn suất hai người cũng đã mất từ 60.000-100.000 đồng. Thậm chí nhiều khách hàng còn không biết sẽ bị mất tiền khi để xe trong ngõ, nên cũng khá ngạc nhiên và bức xúc khi bị đòi tiền trông xe, trong khi thực tế cũng không có ai trông cho họ một phút nào. Bạn Cường chia sẻ thông tin trên mạng xã hội về địa điểm này, cho biết: "Lần đầu tiên đến ăn, chẳng thấy ai trông xe mà lúc ra vẫn phải trả tiền cho một người tự xưng là người trông xe, và là dân sống ở trong ngõ đấy. 5.000 chẳng to tát gì đâu, nhưng có cảm giác như bị móc túi vậy, thề sẽ không bao giờ đến quán lần thứ 2."

(Theo VTC News)