UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có thông báo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, đơn vị chủ rừng cũng như tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân về việc giải quyết hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn. 

Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, kể từ ngày 26/5/2022 sẽ tạm ngưng tiếp nhận hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh cho đến khi cơ quan chức năng hoàn thiện đầy đủ hồ sơ pháp lý và có hướng dẫn cụ thể. 

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 290 hồ sơ đề nghị thuê môi trường rừng của các tổ chức, cá nhân. 

Kể từ ngày 26/5/2022, tỉnh Lâm Đồng sẽ tạm ngừng tiếp nhận hồ sơ thuê rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. 

Trước đó, ngày 19/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp từ năm 2018 đến quý I/2022. 

Về công tác quản lý và bảo vệ rừng, trong giai đoạn nói trên, các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 2.856 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.340 vụ việc chưa xác định được đối tượng vi phạm. 

Tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 204,21ha. Trong đó, có 12.240,5m3 lâm sản bị thiệt hại do nạn phá rừng. 147 vụ phá rừng có tính chất phức tạp, nổi cộm. 

Về tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp, tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện và lập hồ sơ xử lý 1.410 vụ với tổng diện tích 431,8ha. 

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 322 dự án của 307 doanh nghiệp được giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để triển khai dự án đầu tư, với tổng diện tích 52.722ha. Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 208 dự án với 30.469ha. 

Trong đó, có 172 dự án bị thu hồi toàn bộ (26.226ha) và 36 dự án bị thu hồi một phần (4.242ha) do chủ đầu tư vi phạm Luật Đất đai, Luật Đầu tư và Luật Lâm nghiệp. Có 260 doanh nghiệp phải thuê rừng; 49 doanh nghiệp được giao đất và rừng, tự bỏ vốn trồng rừng, diện tích đất thuê không có rừng. 

Quang Đăng