Theo dữ liệu vừa công bố của Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 6 đã tăng lên 9,1% so với năm ngoái, cũng là mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 1981.

Thước đo lạm phát này cũng đã tăng 1,3% so với tháng 5, mức tăng trong tháng lớn nhất kể từ năm 2005, được cho là do giá xăng dầu, nhà ở và thực phẩm tăng cao.

Lạm phát của Mỹ lập đỉnh mới 40 năm, Fed chịu nhiều áp lực - 1

Lạm phát tháng trước của Mỹ lại tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, gây áp lực cho các quyết sách sắp tới của Fed (Ảnh: Reuters).

Trước đó, theo khảo sát của Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán CPI tháng 6 sẽ tăng 1,1% so với tháng 5 và tăng ở mức 8,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này cao hơn các dự đoán.

Tuy nhiên, cái gọi là CPI lõi, loại bỏ sự biến động của thực phẩm và năng lượng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức dự báo của các nhà kinh tế.

Các số liệu lạm phát tăng nóng này một lần nữa cho thấy áp lực giá cả đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ, gây thiệt hại lớn hơn đối với tiền lương thực tế. Đặc biệt, dữ liệu lạm phát này cũng sẽ khiến các quan chức của Fed phải đưa ra chính sách mạnh tay hơn để kiềm chế lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed đã báo hiệu đợt tăng lãi suất 0,75% lần thứ 2 vào cuối tháng này trong bối cảnh lạm phát dai dẳng, tăng trưởng việc làm và tiền lương vẫn ổn định. Ngay cả trước khi dữ liệu này được công bố, các nhà giao dịch vẫn cho rằng sẽ có một động thái như vậy. Nhưng giờ đây, họ nhận thấy rằng, mức tăng đó có thể là 1%.

Tuy nhiên, Fed càng đi nhanh trong việc tăng lãi suất cao hơn thì càng làm tăng rủi ro suy thoái cho nền kinh tế Mỹ. Đây là điều mà một số nhà kinh tế đã nhìn ra trong 12 tháng tới. Mặc dù vậy, thị trường lao động vẫn diễn ra mạnh mẽ, với gần 400.000 việc làm được tạo thêm trong tháng trước.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu trong gia đình tiếp tục tăng mạnh trong tháng trước. Theo đó, giá khí đốt tăng 11,2%; giá dịch vụ năng lượng, bao gồm điện và khí đốt tự nhiên, tăng 3,5%, cao nhất kể từ năm 2006. Trong khi đó, chi phí thực phẩm tăng 1% so với tháng 5 và tăng 10,4% so với năm ngoái. Đây cũng là mức tăng lớn nhất kể từ năm 1981.

(Theo Bloomberg/ Reuters/ Dân Trí)