Một năm căng thẳng của ngành thuế cũng là một năm căng thẳng với doanh nghiệp. Đây là những “bí quyết cơ bản” được chuyên gia chia sẻ với những người phải làm việc với cơ quan thuế trong doanh nghiệp.

Tin tốt, tin xấu

Trao đổi với chúng tôi tại một hội thảo do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc dịch vụ tư vấn thuế Công ty Deloitte Việt Nam, cho biết năm 2015 ngành thuế đặt chỉ tiêu tăng thu 7,5% và “phấn đấu” vượt 8-10% số thu đó. Tức là, số thuế thực thu của năm 2015 đặt ra sẽ tăng 15-18% so với năm 2014. Đây quả thực là tin “cực kỳ căng thẳng” với doanh nghiệp.

Thực tế, việc cơ quan thuế đẩy mạnh đôn đốc thu và siết thu rất chặt trong gần một năm qua không mới, và công cụ rất hữu hiệu được họ hay dùng là thanh, kiểm tra thuế các doanh nghiệp. Số trường hợp kiểm tra thuế tăng rất nhanh hơn hai năm qua và số tiền thuế phạt và truy thu cũng tăng theo.

{keywords}

Làm thủ tục về thuế.

Trước tình hình đó doanh nghiệp phải làm gì?

Từ góc độ cơ quan thuế

Thứ nhất, theo ông Hoàng, tuy gần đây báo chí đưa tin mục tiêu trọng tâm của cơ quan thuế 2015 là cắt giảm giờ nộp thuế còn 121 giờ, bằng Asean 4 (bốn nước có thủ tục thuế tốt nhất Asean), nhưng doanh nghiệp chớ vội mừng. Cụ thể như gần đây doanh nghiệp không còn phải nộp phụ lục của tờ khai thuế giá trị gia tăng (thường rất dài) để cắt giảm giờ khai nộp thuế nhưng doanh nghiệp vẫn phải làm các biểu mẫu đó để sẵn, vì cơ quan thuế tuy nhắm đến thành tích giảm số giờ khai thuế nhưng nếu họ vào kiểm tra doanh nghiệp vẫn phải trình các phụ lục này, nếu không có thì “khổ đời”.

Theo quy định một lần cơ quan thuế kiểm tra tại doanh nghiệp không được quá năm ngày, nếu cần được kéo dài thêm năm ngày nữa nhưng chỉ được kéo dài một lần. Tức nếu cần thiết doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan thuế ra khỏi công ty vì hết thời gian quy định.

Việc giảm giờ khai thuế đòi hỏi Bộ Tài chính phải đưa ra các biện pháp rất căn cơ, cơ quan thuế cũng sẽ siết chặt hơn trong việc kiểm tra doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần luôn cập nhật tình hình để biết mình có thuộc diện bị kiểm tra hay không và cần làm những gì.

Thứ hai, mới đây cơ quan thuế có ra quy trình kiểm tra nội bộ mới, theo đó phân loại doanh nghiệp theo rủi ro và sẽ ứng xử với mỗi nhóm doanh nghiệp được phân loại khác nhau (Thông tư 38/2015), gồm nhóm doanh nghiệp ưu tiên, nhóm doanh nghiệp tuân thủ và không tuân thủ để dựa trên đó quyết định việc thanh tra, kiểm tra nhiều hay không. Nếu doanh nghiệp của bạn rơi vào nhóm không tuân thủ thì sẽ khá “mệt”.

Mỗi năm cơ quan thuế sẽ lọc ra 20% đối tượng mình quản lý để kiểm tra, trong đó 15% số doanh nghiệp do máy tính tự chọn dựa trên đánh giá rủi ro về thuế, 5% còn lại do cơ quan thuế chọn. Nhóm doanh nghiệp rủi ro cao về thuế, được công bố danh sách trên trang web của cơ quan thuế. Nhóm này buộc phải dùng hóa đơn in sẵn của cơ quan thuế hay dùng phần mềm của cơ quan thuế phát hành nếu tự in hóa đơn và phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn hàng tháng, chứ không phải hàng quí như các doanh nghiệp khác.

Nhóm doanh nghiệp này chủ yếu là những công ty thuộc ngành tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp hay giao dịch với các doanh nghiệp có sở hữu chéo, giao dịch qua ngân hàng đáng ngờ… Nhưng lưu ý, dù doanh nghiệp của bạn không liên quan nhưng nếu bị phát hiện có dùng những hóa đơn tự in của những doanh nghiệp khác mà hóa đơn đó từng thay đổi địa chỉ hai lần trong năm thì coi chừng doanh nghiệp bạn cũng bị liên lụy, rơi vào “danh sách đen”.

Thứ ba, về hoàn thuế, 100% đối tượng được hoàn thuế đều bị kiểm tra sau hoàn thuế và lưu ý cơ quan thuế sẽ nhắm vào những doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá, ví dụ lỗ triền miên mà vẫn đầu tư thêm. “Chúng ta vẫn hiểu việc thanh tra chuyển giá thường tập trung vào khối doanh nghiệp FDI nhưng trong định hướng ngành thuế sẽ tập trung cả vào khu vực trong nước, nhất là những doanh nghiệp có một vài công ty con được hưởng ưu đãi thuế, hay những doanh nghiệp đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền lớn”, ông Hoàng nói, “Doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế luôn là mục tiêu của cơ quan thuế, vì cho là một chuyện nhưng được cho hay không là chuyện khác”.

Thứ tư, thuế nhà thầu nước ngoài cũng là một loại thuế “nguy hiểm”. Lẽ ra thuế này nhà thầu nước ngoài phải chịu nhưng thực tế toàn doanh nghiệp Việt Nam chịu và hầu hết rơi vào đầu doanh nghiệp theo kiểu một ngày đẹp trời, cơ quan thuế vào, ấn cho một hợp đồng đòi truy thu cả chục tỉ trong khi nhà thầu nước ngoài đã đi xa rồi. Doanh nghiệp lưu ý những khoản thanh toán với nước ngoài đặc biệt như dịch vụ, bởi đây là những phần hay bị truy thu thuế này và số tiền thường rất lớn nên đó là loại thuế nguy hiểm, đừng lơ là.

Thứ năm, ông Hoàng nhắc, nếu doanh nghiệp chưa được kiểm tra thuế trong vài năm thì đó là dấu hiệu có thể sắp bị kiểm tra. Thường 3-4 năm doanh nghiệp sẽ bị thanh tra thuế một lần (vì theo Luật Quản lý thuế sau năm năm cơ quan thuế không được thu tiền phạt, sau 10 năm không được truy thu thuế nữa). Tỷ lệ tiền phạt hành chính, quản lý, phạt chậm nộp thuế là 0,05% một ngày nhưng tính ra năm lên tới 18,25%/năm, gấp hơn ba lần so với lãi suất ngân hàng và đó là mức phạt cực kỳ nặng.

Tiền phạt thu kê khai sai và thiếu cũng rất nặng, lên tới 20% của số tiền nộp thiếu và nếu có hành vi vi phạm nghiêm trọng thì doanh nghiệp bị tăng số phạt gấp 1-3 lần. Nhưng ông Hoàng lưu ý, theo quy định một lần cơ quan thuế kiểm tra tại doanh nghiệp không được quá năm ngày, nếu cần được kéo dài thêm năm ngày nữa nhưng chỉ được kéo dài một lần. Tức nếu cần thiết doanh nghiệp có thể đề nghị cơ quan thuế ra khỏi công ty vì hết thời gian quy định.

Chớ dại lơ là chuyện nhỏ

Thứ sáu, doanh nghiệp cần lưu ý các chi tiết nhỏ nhặt nhưng rất dễ gặp tai nạn với cơ quan thuế, ví dụ như tính xác định trị giá hải quan. Cơ quan thuế nhiều trường hợp tính thêm các khoản khác vào khoản gốc, ví dụ tiền bản quyền phải trả cho cơ quan thuế rất có thể được cộng vào giá thuế nhập khẩu khi nhập khẩu hàng hóa. Hay như mức tiêu hao nguyên vật liệu, nhiều trường hợp số đăng ký với hải quan, số báo với cơ quan thuế và số thực tế chênh lệch sẽ bị cơ quan thuế kiểm tra thêm và bị phạt. Hay nếu doanh nghiệp có ưu đãi thuế thì phần đăng ký hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư có ảnh hưởng đến phần nhập khẩu tính thuế phải hết sức cẩn thận.

Với hải quan, ví dụ mã hàng chỉ khác nhau một chút cũng sẽ bị kiểm tra sau thông quan và mức thuế bị điều chỉnh từ 0,1% lên tới cả chục phần trăm là có thật. Hay theo quy định nếu doanh nghiệp đã góp đủ vốn điều lệ trong quá trình hoạt động mà có đầu tư vào công ty khác thì khoản lãi tiền vay được khấu trừ chi phí tính thuế. Song, vấn đề thế nào là khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác, nếu mua trái phiếu hay trái phiếu chuyển đổi có được trừ không thì văn bản của ngành thuế lại quy định chưa rõ, nên doanh nghiệp khi đụng tới phần này phải hỏi rõ cơ quan thuế từng trường hợp.

Thứ bảy, về hóa đơn, các quy định về hóa đơn thuế giá trị gia tăng và hóa đơn bán lẻ có những quy định nhỏ nhưng rất dễ “chết người” ví dụ nhiều người vẫn viết tắt “quận” là Q., TP có nghĩa là “thành phố” nhưng viết tắt trong hóa đơn phải viết đúng theo giấy đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp mới được chấp nhận, hay hóa đơn không in bằng máy tính bên dưới phần kê khai còn trống thì phải dùng bút gạch chéo. Quy định này khiến doanh nghiệp khá mệt vì nếu một ngày doanh nghiệp bán lẻ xuất 1.000 hóa đơn thì có khi phải thuê riêng một người chỉ để… gạch chéo.

Nói tóm lại, có 1.001 tình huống để doanh nghiệp “trầy da tróc vẩy” với cơ quan thuế nên để đề phòng những rủi ro không mong muốn, doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra, lắng nghe, cập nhật các quy định về thuế và luôn sẵn sàng chuẩn bị để “đương đầu” với cơ quan thuế.

(Theo TBKTSG)