Theo quan điểm của người Mỹ, khoản đầu tư này có vẻ lãng phí và thậm chí phản tác dụng, vì nó vi phạm giới luật thiêng liêng rằng các chính phủ không bao giờ được chọn người chiến thắng. Tuy nhiên, thực tế ở Trung Quốc đã chứng minh đây là một phương pháp hiệu quả để thúc đẩy quá trình phổ biến và thương mại hóa công nghệ.

Ví dụ, sáng kiến A năm 2017 của Chính phủ Trung Quốc đặt một mục tiêu đầy tham vọng là đưa nước này trở thành trung tâm AI ưu tú của thế giới vào năm 2030.

Trung Quốc đặt mục tiêu trở thành trung tâm AI ưu tú của thế giới vào năm 2030

Tác động lớn nhất của chương trình là làn sóng thử nghiệm và hoạt động trong cả bộ máy hành chính lẫn lĩnh vực tư nhân. Các thị trưởng đã cho xây dựng những cỗ máy gia tốc mới, giúp khởi động AI ở thành phố của họ. Quan chức nông nghiệp tạo ra những chương trình thử nghiệm cho máy bay không người lái bón phân thông minh. Bệnh viện công hợp tác với trường đại học để tạo ra những viện nghiên cứu AI y tế. Và các sở công an trên khắp đất nước chi rất nhiều tiền để mua công nghệ giám sát…

Xét riêng lẻ, nhiều dự án trong số này có vẻ lãng phí. Các "lồng ấp" khởi nghiệp ở những thị trấn vùng sâu, vùng xa thường trống rỗng trong nhiều năm. Tuy nhiên, những nỗ lực này đã giúp thúc đẩy sự bùng nổ AI trong lĩnh vực tư nhân, kích thích đầu tư mạo hiểm và hình thành các công ty khởi nghiệp thậm chí lớn hơn.

Năm 2018, Trung Quốc chiếm gần một nửa tổng nguồn vốn toàn cầu rót cho các công ty khởi nghiệp AI, vượt qua Mỹ. Quỹ này cho phép công ty và nhà khoa học Trung Quốc thử nghiệm những sản phẩm, tính năng và phương pháp tiếp cận mới, đồng thời tăng cường áp dụng AI trên toàn nền kinh tế.

Bằng cách xây dựng và bảo vệ thị trường trong khi học hỏi từ các hệ sinh thái đổi mới toàn cầu, Trung Quốc cuối cùng đã tăng tốc phát triển các công nghệ quan trọng của riêng họ.

Thành công đó không phải là kết quả của một kế hoạch tổng thể được thực hiện một cách hoàn hảo. Thay vào đó, nó là sản phẩm của mệnh lệnh tư tưởng, việc lập kế hoạch thông minh, rất nhiều nỗ lực chăm chỉ và một chút may mắn. Ban đầu, Trung Quốc xây dựng Đại tường lửa chỉ để bảo vệ môi trường thông tin được kiểm duyệt cao và sau đó mới xuất hiện các lợi ích đổi mới. Mặc dù các ý định của Trung Quốc là phức tạp và đôi khi tự mâu thuẫn, nhưng kết quả cuối cùng vượt quá mong đợi của hầu hết mọi người.

Phản ứng của Mỹ

Trong 4 năm qua, Washington tập trung vào việc cắt đứt các kết nối của Trung Quốc với hệ sinh thái công nghệ của Mỹ. Một số sáng kiến này có giá trị chiến lược thực sự. Chẳng hạn, các biện pháp kiểm soát đã ngăn cản Trung Quốc sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực trong số đó lại là sai lầm chiến lược, làm thui chột sự đổi mới của Mỹ và thúc đẩy sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Những vụ truy tố nhằm vào các nhà khoa học gốc Hoa tại các trường đại học Mỹ đã dội gáo nước lạnh vào cộng đồng khoa học sinh ra ở nước ngoài và khiến một số bộ óc giỏi nhất quay trở lại Trung Quốc vì sợ hãi.

Con đường đột phá công nghệ của Trung QuốcCon đường đột phá công nghệ của Trung QuốcXem ngay

Quan trọng hơn, thời đại mà Mỹ có thể ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc chỉ bằng cách cắt đứt sự tiếp cận của đối thủ hầu như đã qua.

Nếu cắt đứt quan hệ công nghệ với Trung Quốc vào năm 2005, Mỹ có thể đã làm chậm lại sự đổi mới toàn cầu và cản trở khả năng của chính mình, nhưng có lẽ sẽ làm tổn thương Trung Quốc nhiều hơn. Vào thời điểm đó, Trung Quốc không có một hệ sinh thái công nghệ tự duy trì trong nước và việc tự khởi động một hệ sinh thái mới sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Trung Quốc ngày nay đã có hầu hết các nguyên liệu thô cho sự thành công về công nghệ và việc cắt đứt quan hệ song phương một cách bất cẩn có thể sẽ phản tác dụng.

Thay vào đó, Mỹ nên thực hiện các hành động có mục tiêu nhằm duy trì sự phụ thuộc của Trung Quốc vào công nghệ nước ngoài trong khi tiếp tục thu hút và gắn kết với các nhà đổi mới của đại lục.

Để duy trì sự phụ thuộc đó, đòn bẩy tốt nhất là chất bán dẫn, cụ thể là thiết bị sản xuất chuyên dụng cao, chỉ do một số ít đồng minh của Mỹ chế tạo. Để thu hút nhân tài Trung Quốc, trường đại học của Mỹ đóng vai trò như một thỏi nam châm hút các nhà nghiên cứu cấp cao, nhưng Mỹ cũng cần cải cách đối với hệ thống nhập cư để giữ chân những người này ở lại sau khi tốt nghiệp.

"Ban quản lý công nghệ" 

Liệu Mỹ có thể học hỏi được gì từ Trung Quốc khi tăng tốc hệ sinh thái công nghệ của chính mình? Hai quốc gia có hệ thống chính quyền khác biệt nhau đến mức chỉ cần sao chép mô hình của Trung Quốc là bất khả thi.

Nỗ lực của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chặn các ứng dụng WeChat và TikTok đã bị các tòa án bác bỏ. Và các thị trưởng trên khắp xứ sở cờ hoa sẽ không đột ngột bắt đầu tạo những chương trình thử nghiệm cho máy bay không người lái tự hành theo lệnh của chính phủ liên bang.

Tuy nhiên, có một bài học sâu sắc hơn cần được rút ra. Nếu hy vọng duy trì lợi thế trước Trung Quốc, chính phủ Mỹ phải sẵn sàng thử nghiệm các cách thức mới để khuyến khích phát triển công nghệ, ngay cả khi một số nỗ lực dẫn đến lãng phí tiền của hoặc thất bại hoàn toàn. Nếu mọi dự án thất bại đều trở thành mục tiêu tấn công của đảng phái, chính sách đổi mới sẽ bị đình trệ.

Đề xuất của Quốc hội Mỹ về việc thành lập một "ban quản lý công nghệ" trong Quỹ Khoa học quốc gia, một bộ phận mới được trao quyền để kết nối các học viện, chính phủ và ngành công nghiệp nhằm đẩy nhanh việc triển khai công nghệ thương mại, mang lại một khởi đầu đầy hứa hẹn cho loại thử nghiệm này. Các nguồn lực và phạm vi của ban quản lý công nghệ là chủ đề tranh luận gay gắt tại Quốc hội và sẽ được quyết định khi Hạ viện, Thượng viện nỗ lực hòa giải các dự luật cạnh tranh của họ trong những tháng tới.

Nhưng đề xuất cho thấy, chính phủ Mỹ đang bắt đầu nhận ra rằng họ không thể chỉ tài trợ cho nghiên cứu cơ bản và bỏ mặc phần còn lại cho thị trường được nữa.

Không có dự luật hay chính sách đổi mới đơn lẻ nào đủ để đảm bảo Mỹ duy trì lợi thế về công nghệ.

Quỳnh Anh

Trung Quốc chọn đường đi giữa một thế giới hỗn loạnÔng Tập Cận Bình dự báo sự ổn định trong một "kỷ nguyên hỗn loạn" khi ông dự kiến bắt đầu nhiệm kỳ thứ 3 với tư cách là người đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc.