Lo ngại lao động ồ ạt rút một cục

Trao đổi với P.V VietNamNet, ông Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho biết, Liên đoàn lao động TP đã lấy ý kiến về việc giảm thời gian đóng BHXH từ 15 năm hưởng lương hưu. Qua lấy ý kiến lần đầu từ doanh nghiệp và người lao động cho thấy, nếu không phân tích kỹ lưỡng, toàn diện trước khi quyết định sẽ tạo điều kiện cho “làn sóng” tiếp theo rút BHXH một lần. 

Ông Tâm nêu thực tế, hiện nay quy định 20 năm đóng BHXH được hưởng lương hưu, thế nhưng có những người đóng 18-19 năm xin nghỉ việc sau một năm để rút một lần khi tuổi đời ở ngưỡng 40-45 tuổi. 

Do vậy, nếu quy định giảm thời gian đóng BHXH còn 15 năm người lao động tuổi 35-40 tham gia BHXH được 14 năm không loại trừ chọn phương án rút một lần do phải chờ đến tuổi hưởng lương hưu quá dài. 

Số người rút BHXH một lần đang tăng lên hàng năm. Ảnh minh hoạ: NLĐ.

Ông Tâm cho biết, dù trong dự thảo sửa đổi quy định người rút BHXH một lần phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu nhưng với những người trẻ tuổi, không ít người khi mất việc vẫn lựa chọn rút một lần rồi về sau có cơ hội việc làm sẽ đóng tiếp để hưởng lương hưu.

Vị Phó chủ tịch Liên đoàn lao động TP.HCM cho rằng, việc người lao động rút một cục rồi sau đó xin nghỉ việc đóng BHXH vòng hai đủ 15 năm (hoặc 20 năm như dự thảo) để hưởng lương hưu sẽ để lại hệ luỵ tiêu cực cho cả người lao động, doanh nghiệp và nhà nước. 

Người lao động rút một lần khi đóng BHXH 15-20 năm được hưởng 45% mức hưởng sẽ không đủ sống, trong khi doanh nghiệp không có sự ổn định khi số lao động làm việc 14 năm đóng BHXH lại xin nghỉ làm ảnh hưởng đến sự ổn định sản xuất kinh doanh. Trong khi nếu số người rút một lần tăng cao dẫn đến lo ngại vỡ quỹ BHXH.

Rút BHXH một lần phải đóng 20 năm mới được lương hưu

Trong Dự thảo sửa đổi Luật BHXH quy định, với người rút BHXH một lần vẫn phải đóng BHXH 20 năm mới được hưởng lương hưu. Quy định này được cơ quan soạn thảo đưa ra với mong muốn để người lao động phải cân nhắc trước khi rút BHXH một lần.

Ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, sở dĩ Dự thảo sửa đổi Luật BHXH đưa ra quy định giảm thời gian đóng BHXH 20 năm xuống 15 năm hưởng lương hưu không áp dụng với người hưởng BHXH một lần nhằm “ngăn” người tham gia BHXH được 10-15 năm rút một lần, sau đó đóng thêm 15 năm để có lương hưu. 

Ông Cường cũng nêu thực tế, đa số người rút BHXH một lần rất khó khăn nên họ bắt buộc phải rút. Do vậy cơ quan soạn thảo sẽ cần phải nghiên cứu thêm để có giải pháp đảm bảo người tham gia BHXH hướng tới hưởng lương hưu, hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, không nên quá khắt khe với người lao động đã lỡ rút BHXH một lần muốn quay trở lại. Bởi không ai muốn rút BHXH một lần khi có điều kiện, chỉ là do người lao động quá khó khăn mới phải rút. Luật phải thể hiện tính nhân văn nên cơ quan soạn thảo cần xem xét, lắng nghe ý kiến của người lao động để có sự điều chỉnh cho phù hợp, tránh sự phân biệt đối xử giữa người lao động.

Ông Lê Hùng Sơn, Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho hay, người lao động có nhiều giải pháp để ở lại hệ thống BHXH tiến tới đủ điều kiện hưởng lương hưu thay vì rút BHXH một lần.

Với những lao động mất việc, BHXH sẵn sàng chờ khi có việc làm mới trở lại thị trường để tiếp tục tham gia theo phương án cộng nối tiếp thời gian tham gia BHXH từ trước.

Ngoài ra người lao động cũng có thể chọn phương án đóng BHXH tự nguyện cho các năm còn thiếu, hoặc hưởng trợ cấp hưu trí.

Hiện nay rút BHXH một lần đang thành trào lưu. Năm 2022 số người rút BHXH một lần là 895.000 người, con số này đang có xu hướng tăng lên hàng năm.