Theo Washington Post, sau khi các tài liệu mật mô tả kết quả công việc của các cơ quan tình báo và quân đội Mỹ xuất hiện trên Internet, các quan chức Mỹ và các đồng minh đã bị “sốc”.

Các nguồn tin của Washington Post cho biết, hôm 7/4 (giờ địa phương), lãnh đạo Lầu Năm Góc đã hạn chế quá trình chia sẻ thông tin tình báo.

Các nguồn tin không giải thích chính xác các hạn chế là gì, nhưng gọi các biện pháp này là “cực kỳ nghiêm ngặt” và lưu ý rằng điều này cho thấy “sự hoảng loạn ở mức độ cao” trong giới lãnh đạo.

Lầu Năm Góc. Ảnh: AP

Theo Washington Post, các tài liệu mật có liên quan đến hoạt động của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA), Cơ quan Tình báo Quân đội (DIA) hay Cơ quan Thám sát Quốc gia (NRO).

Bên cạnh đó, đại diện từ một số quốc gia nói rằng, họ đang cố gắng đánh giá thiệt hại do vụ rò rỉ tài liệu mật. Nhiều người thậm chí còn ngạc nhiên tại sao sự xuất hiện của tài liệu mật trong phạm vi công cộng lại không được chú ý trong một thời gian dài như vậy.

Theo Washington Post, các tài liệu mật đầu tiên được công bố vào ngày 28/2 và ngày 2/3 trên nền tảng Discord. Chúng được xuất bản bởi một người dùng có biệt danh Wow Mao. Vào tháng 4, một số tài liệu mật khác xuất hiện trên mạng xã hội.

Một quan chức tình báo châu Âu bày tỏ lo ngại, Washington có thể hạn chế khả năng tiếp cận thông tin tình báo của các đồng minh trong tương lai.

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, họ đã mở cuộc điều tra về vụ rò rỉ và đang liên lạc với Bộ Quốc phòng Mỹ.

Theo các chuyên gia, rất khó để đưa ra kết luận về việc ai đã tiết lộ thông tin và tại sao. Họ cho rằng, có rất nhiều ví dụ về các tài liệu bị rò rỉ được sử dụng trong các chiến dịch tuyên truyền và đặc biệt là để tuyên truyền thông tin sai lệch, nhưng điều đang xảy ra với những tài liệu này của Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng.