Nhiều nhà lập pháp cùng đảng Cộng hòa với Tổng thống Trump đang thúc ép ông phải có những biện pháp trừng phạt mạnh tay với Trung Quốc vì sự bùng phát dữ dội của đại dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu. Trong khi đó, chính quyền của ông Trump gần đây vẫn tỏ ra thận trọng, tránh đưa ra các đe dọa về hậu quả đối với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề này.

{keywords}
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Từ giai đoạn đầu của đại dịch, ông Trump đã có những phát biểu ám chỉ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về nguồn gốc cũng như sự phát tán của mầm bệnh chết người. Suốt nhiều tuần, ông khăng khăng gọi virus corona chủng mới là "virus Trung Quốc", bất chấp những lời chỉ trích rằng cách gọi đó là "phân biệt chủng tộc" và "cố tình đổ tội" cho Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ quả quyết, ông chỉ đang bảo vệ quân đội Mỹ khi đáp trả việc Bắc Kinh cáo buộc binh lính Mỹ đã mang virus chết người đến Trung Quốc. Song, ông cũng tiếp tục ca ngợi mối quan hệ cá nhân "rất tốt đẹp" và "nhiều tôn trọng" với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong những ngày vừa qua, lãnh đạo Nhà Trắng trả lời hầu hết các câu hỏi về cách ứng phó dịch bệnh của Bắc Kinh bằng cách chuyển hướng đề cập tới cuộc chiến tranh thương mại "ăn miếng, trả miếng" Mỹ - Trung hồi năm ngoái. Hôm 17/4, trước câu hỏi trực tiếp của phóng viên về việc liệu ông có cân nhắc buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm tài chính cho sự càn quét của đại dịch Covid-19 khắp toàn cầu hay không, Tổng thống Trump chỉ đáp, bản thân "không vui với Trung Quốc" vì Bắc Kinh "không sớm cảnh báo thế giới" về virus corona chủng mới.

Ông Trump cũng khẳng định, không ai từng đối xử với Trung Quốc "nghiêm khắc và mạnh mẽ" như ông. Người đứng đầu Nhà Trắng lưu ý, hàng tỉ USD đã chảy vào ngân khố Mỹ nhờ những hành động cứng rắn của ông đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, trên Đồi Capitol, nhiều chính khách và quan chức thuộc chính quyền Trump, kể Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien tin vào giả thuyết rằng virus corona chủng mới bắt nguồn từ một phòng thí nghiệm của Trung Quốc ở Vũ Hán và phản ứng của Bắc Kinh ở giai đoạn đầu khủng hoảng đã góp phần khiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh, rồi lây lan ra bên ngoài đại lục.

Theo chuyên trang tin tức an ninh, quốc phòng Defense One, một số nhà lập pháp có ảnh hưởng lớn trong Quốc hội Mỹ như Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham hay Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren đã đề xuất ông Trump bắt Bắc Kinh phải "trả giá" bằng nhiều hình phạt, như loại bỏ các hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng của Mỹ, từ chối thanh toán nợ và xúc tiến điều tra quốc tế đối với chiến dịch truyền thông của Bắc Kinh...

Song, cho đến hiện tại, ông Trump dường như vẫn tránh đối đầu trực tiếp với Trung Quốc vì những tranh cãi liên quan đến đại dịch Covid-19. Lãnh đạo Chính phủ Mỹ mới giáng đòn trừng phạt vào Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khi tuyên bố sẽ ngưng tài trợ cho WHO trong 60 - 90 ngày để thẩm tra cách xử lý khủng hoảng của cơ quan này.

Lý giải về quyết định gây sốc hôm 14/4, ông Trump đổ lỗi cho WHO về những thất bại trong cách ứng phó với đại dịch, đồng thời cáo buộc tổ chức y tế lớn nhất hành tinh "dung túng, thiên vị" Trung Quốc dù nước này chỉ đóng góp cho cơ quan khoảng 40 triệu USD/năm, bằng 1/10 của Mỹ. Một nguồn thạo tin tiết lộ với tạp chí Politico, Washington thậm chí đang cân nhắc "xử phạt" WHO bằng cách tạo ra một cơ quan mới để thay thế.

Động thái trên đã vấp phải sự phản đối cũng như chỉ trích của nhiều lãnh đạo thế giới và dư luận quốc tế, đúng vào lúc Tổng thống Trump đang nỗ lực đẩy lui búa rìu dư luận chĩa vào chính quyền của ông khi Mỹ trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu. Một số nhà phân tích nhận định, trước sức ép ngày càng tăng vào năm tái tranh cử này, ông Trump rốt cuộc sẽ phải nhắm vào Trung Quốc trong "cuộc chiến đổ lỗi". Và tuyên bố muốn phái các nhà điều tra tới Trung Quốc để tìm hiểu về dịch của ông hôm 19/4 chỉ là "phát súng mở màn".

Theo tờ Washington Times, ông Trump đã xác nhận việc chính phủ và các cơ quan tình báo Mỹ bắt tay điều tra các giả thuyết liên quan đến nguồn gốc virus corona chủng mới ở Vũ Hán. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Đây không phải là vấn đề chính trị. Đây là vấn đề thuộc khoa học và dịch tễ học. Chúng ta cần hiểu rõ điều gì đã xảy ra, để có thể giảm nguy cơ với người Mỹ trong nhiều ngày, tuần và tháng phía trước, đồng thời đưa kinh tế thế giới giới trở lại bình thường”.

Giới quan sát vẫn đang chờ xem ông Trump cuối cùng sẽ dẫn dắt nước Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại như thế nào, cũng như cách ông xử lý vấn đề Trung Quốc ra sao. Lựa chọn của lãnh đạo Nhà Trắng cuối cùng có thể gây ra những tác động rất lớn, không chỉ đối với tương lai của đại dịch Covid-19 toàn cầu mà còn cả mối quan hệ quan trọng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Tuấn Anh