Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cho biết, đến sáng 10/3, mới có 7 tỉnh, thành phố báo cáo rà soát đấu giá đất sau chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo đại diện Bộ TNMT, thực hiện Công điện số 1767 ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, Tổng cục Quản lý đất đai đã tham mưu Bộ có công văn báo cáo Thủ tướng về công tác đấu giá đất tại Thủ Thiêm nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước.

{keywords}

Đã có 2 trong 4 doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô "đất vàng" tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đề nghị huỷ hợp đồng mua bán tài sản đấu giá

 

Sau chỉ đạo trên, Bộ đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị tập trung rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá quyền sử dụng đất để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Cùng với đó, Bộ yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất.

Trên cơ sở đó, các địa phương gửi báo cáo kết quả rà soát, kiểm tra công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn trước ngày 28/2/2022 để Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

{keywords}
Nhiều lô đất khu X4 (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) bỏ cọc sau đấu giá 

Tuy nhiên đến nay đã quá hạn 10 ngày nhưng chỉ mới 7/63 tỉnh, thành phố báo cáo. Đáng chú ý, trong những địa phương chưa gửi báo cáo có Hà Nội và TP.HCM nơi có nhiều trường hợp bỏ cọc sau đấu giá.

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, đơn vị này sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường đôn đốc các địa phương báo cáo công tác rà soát đấu giá đất, từ đó mới có tổng hợp, đánh giá báo cáo Thủ tướng.

Liên quan đến việc 4 doanh nghiệp trúng đấu giá 4 lô “đất vàng” tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm vào ngày 10/12/2021, đến nay đã có 2 doanh nghiệp bỏ tiền cọc, đó là Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và Công ty TNHH Đầu tư phát triển và thương mại Bình Minh. 

Hai doanh nghiệp trên lần lượt trúng đấu giá quyền sử dụng lô đất 3-12 và lô đất 3-9, đã nộp tiền đặt cọc tương ứng 600 tỷ đồng và 140 tỷ đồng. Tuy vậy, hai nhà đầu tư này đã chấp nhận bỏ tiền đặt cọc. 

Với 2 doanh nghiệp trúng đấu giá còn lại, là Công ty Cổ phần Dream Republic (trúng đấu giá lô đất 3-5) và Công ty Cổ phần Sheen Mega (trúng đấu giá lô đất 3-8), Cục thuế TP.HCM đã có văn bản đôn đốc nộp tiền đợt 1 vì đã trễ hạn. 

Còn tại Hà Nội, mới đây, cũng ghi nhận 4/25 lô đất khu X4 (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy) bỏ cọc, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính dù đã quá 90 ngày. Đây là những lô đất đã được đấu giá vào cuối tháng 10/2021.

Trước đó, ngày 21/12/2021, Thủ tướng đã ban hành công điện 1767 chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong đấu giá đất, ngăn chặn lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Theo đó, vừa qua, nhiều địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đạt kết quả, góp phần bổ sung nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Tuy nhiên, một số trường hợp giá trúng đấu giá cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm (có trường hợp cao bất thường) đang thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận xã hội, có thể tạo ra hiệu ứng đối với phát triển kinh tế - xã hội và thị trường nhà ở, bất động sản.

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng, UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường.

Thuận Phong

Cấm doanh nghiệp đầu tư dự án trong 2 năm nếu trúng đấu giá đất mà ‘bỏ cọc’

Cấm doanh nghiệp đầu tư dự án trong 2 năm nếu trúng đấu giá đất mà ‘bỏ cọc’

Đây là một trong những chế tài được Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM kiến nghị nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp trúng đấu giá đất nhưng sau đó “bỏ cọc” như các vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm.