Đầu tháng Giêng âm lịch vừa rồi, anh Thành - Hà Nội bỏ ra nửa tháng trời để lên vùng Đông, Tây Bắc, ngày nào cũng phải băng rừng vượt suối, lần mò vào tận các bản làng xa xôi tìm thực phẩm sạch. Thậm chí, có lần anh còn ăn thử cả thịt sống để học cách phân biệt thịt lợn sạch hay "bẩn".
Băng rừng vượt suối tìm thực phẩm sạch
Anh Nguyễn Văn Thành, Giám đốc một công ty xây dựng ở Cầu Giấy (Hà Nội), chia sẻ, theo lẽ thường, tháng Giêng hàng năm vợ chồng anh hay đi lễ chùa. Nhưng năm nay, anh chị quyết định rong ruổi lên Tây Bắc tìm nguồn cung thực phẩm sạch cho gia đình, và nếu được, có thể mở hướng kinh doanh thực phẩm sạch.
Anh kể, trước đây, khi những thông tin về rau phun thuốc trừ sâu, kích phọt, hoa quả tiêm hoá chất, lợn gà cho ăn toàn chất cấm tràn lan, gia đình anh không đi chợ nữa mà chuyển sang đi siêu thị. Song, vào siêu thị cũng không yên tâm bởi sự nhập nhằng về nguồn gốc thực phẩm.
Tiếp đến, gia đình anh chuyển sang đặt mua tại các cửa hàng thực phẩm sạch, nhưng được một thời gian, lại tận tai được nghe kể chuyện bà con trồng rau, nuôi lợn cũng chừa một ít rau lại để ra đình ăn nên không có chuyện thực phẩm bán ra sạch tuyệt đối, và không nhiều đến mức cửa hàng rau sạch nào ở Hà Nội cũng đảm bảo sạch 100%.
Người dân lên núi săn tìm thực phẩm sạch |
"Khi nghe bà con nói vậy, tôi không còn tin vào thực phẩm sạch ở thành phố, nhất là đợt cuối năm, con gái tôi không biết ăn món gì mà phải nhập viện cấp cứu, được bác sĩ chẩn đoán là ngộ độc thực phẩm".
Anh Thành kể, trong chuyến đi kéo dài nửa tháng trời ở trên vùng Tây Bắc, vợ chồng anh phải băng rừng, vượt suối, đi bộ cả chục km đường rừng một ngày để vào được các bản làng. Anh chị phải tận mắt xem họ trồng rau, trồng lúa, nuôi lợn gà như thế nào rồi mới quyết định mua.
Ăn thử thịt sống để phân biệt thịt sạch, “bẩn”
Sau khi đi một vòng các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái,... đến Hà Giang, công đoạn tìm nguồn cung thịt lợn, gà là vất vả nhất. Lợn đen, lợn trắng nuôi bộ (nuôi theo kiểu người dân cho ăn cám ngô, sắn nấu với rau) cũng có, mà nuôi bán công nghiệp cũng nhiều.
“Thấy thế, tôi nghĩ, nếu gia đình có đặt mua thịt lợn ở trên này về cũng chưa chắc được hàng sạch”, anh nói. Nghĩ vậy, vợ chồng anh nhờ một ông thợ tề (chuyên giết và pha cắt thịt lợn) dạy cách nhận biết. Cũng may ông này đồng ý và bảo sáng sớm hôm sau đi theo vì ông có nhận lời giết lợn cho một đám cưới trong bản.
Sáng hôm sau, anh dậy từ 4 giờ sáng đi theo thợ tề. Lợn giết thịt xong, ông ấy bảo anh bốc một miếng thịt vừa mới xẻ ra để đưa lên mũi ngửi, cắn thử một miếng nhỏ bằng đầu ngón tay út xem thế nào. Ăn xong, ông ấy lại lôi một miếng thịt nữa từ trong túi đựng đồ nghề ra và bảo, thịt lợn này nuôi bằng cám, bảo anh ngửi, nếm thử tiếp.
Thậm chí, để phân biệt được thịt sạch hay bẩn, họ còn chấp nhận nếm thử thịt lợn sống |
“Mới đầu ông ấy nói vậy tôi đã thấy ghê ghê, đến lúc bảo ăn miếng thịt sống và ông ấy xẻo luôn một miếng đưa vào miệng nhấm nhấm, tôi nhìn suýt nữa nôn ọe. Nhưng theo lời ông, cách duy nhất để nhận biết thịt có sạch không là ngửi và ăn thử một tý, thế nên tôi cũng đành nhắm mắt làm theo”, anh Thành chia sẻ.
Anh Thành nói rằng, sau vài lần như vậy, anh bắt đầu phân biệt được đâu là lợn nuôi bằng rau cỏ, cám ngô, sắn, đâu là lợn nuôi bằng cám công nghiệp. Lợn nuôi cám ngô đưa lên mũi ngửi sẽ không tanh, thơm mùi của ngô, sắn, còn nuôi bằng cám công nghiệp thịt có mùi hơi tanh tanh - anh nhận xét.
Khi luộc thịt lên thì thấy rõ hơn. Lợn sạch ăn cám ngô nước luộc trong veo, không một tí bọt nào, kể cả bọt trắng, miếng thịt cực kỳ thơm (phảng phất mùi thơm của ngô, sắn chín). Riêng với thịt lợn nuôi cám công nghiệp, nước cũng trong nhưng kèm theo váng bọt nổi đầy, luộc chín miếng thịt không thơm.
“Ông thợ tề bảo, học được cách phân biệt rồi, về dưới xuôi nếu có đặt mua lợn trên vùng này tôi cũng dễ dàng phân biệt được, không lo bị độn hoặc mua phải thịt không chuẩn. Ngoài ra, ông ấy cũng tiết lộ, có thể nhìn phân lợn, phân gà để phân biệt lợn ngon hay không ngon. Phân mà thối thì lợn, gà ăn nhiều cám công nghiệp và ngược lại”, anh cho hay.
Tương tự, với gạo, rau xanh,... anh cũng nhờ dân bản hướng dẫn cách phân biệt có thực sự sạch không.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội), cách phân biệt chính xác nhất là đem mẫu thịt tới phòng xét nghiệm. Song, cách này rất tốn kém và mất thời gian. Còn chuyện nhận biết thịt lợn, gà sạch (ăn cám ngô, sắn) với thịt lợn, gà nuôi bằng cám công nghiệp bằng cách ngửi, nếm thử là rất khó, không phải ai cũng có thể phân biệt được. Chỉ một số ít người cực nhiều kinh nghiệm mới có thể nhìn để phân biệt chính xác, chứ hầu hết bà nội trợ đều dựa vào cảm giác để đoán mà thôi - ông cho hay. PGS.TS Thịnh còn cho biết, cách nếm thử thịt sống không những không đem lại hiệu quả trong nhận biết, nó còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan đến mất vệ sinh ATTP, thậm chí có thể nhiễm một số bệnh. |
Lâm Mộc