Ông Trần Chí Hiếu (Hiếu Orion) - nhà sáng lập công ty truyền thông Orion Media, có nhiều năm kinh nghiệm về truyền thông mạng xã hội chia sẻ về xu hướng truyền thông bằng nội dung (content) mới này.

- Anh nhận định như thế nào về xu hướng truyền thông và bán hàng trên mạng xã hội hiện tại?

Hiện tại trên thị trường truyền thông đã có rất nhiều sự thay đổi. Ví dụ, các chiến dịch truyền thông bán hàng thời xưa chúng tôi thường triển khai từng bước. Chúng tôi phải đẩy mạnh một chiến dịch suốt 1 tháng chỉ để tạo nhận biết và không nói quá nhiều tới sản phẩm. Sau đó mới là chiến dịch tạo “hiểu” và “tin” về sản phẩm.

Nhưng trong thế giới mới này, khi một ai đó livestream một sản phẩm mới tinh dù mọi người chưa từng biết hay hiểu về nó, với cảm xúc có được khi xem livestream, đám đông sẵn sàng mua sản phẩm. Thực tế, ở Việt Nam có người bán doanh thu hơn 1 tỷ đồng trong 1 tối livestream bán hàng là chuyện bình thường. Tại Trung Quốc, có nhiều người nổi tiếng đã bán được hơn 100 triệu USD (khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) chỉ trong 1 buổi livestream, như Vi Á, Lý Giai Kỳ. 

Với xu hướng này, những ngôi sao bán hàng đã sử dụng mô hình sản xuất nội dung (content) dạng cảm xúc để tác động tới hành vi mua hàng của đám đông. Đây là một “môn nghệ thuật trình diễn” thật tuyệt vời.

TikTok đã “lấn sân” từ một nền tảng giải trí sang mua sắm, đồng thời tạo ra xu hướng mua sắm giải trí (shoppertainment). Cư dân mạng xem ai đó “chém gió” vui vẻ và chỉ cần click vào 1 link trên video, sau 10s là họ dễ dàng mua được món đồ của “idol” đang giới thiệu. 

- Với xu hướng nội dung phục vụ mua bán online hiện tại, liệu mô hình viral video như trước kia anh làm có bị biến mất và thay thế bằng loại nội dung khác không? 

Viral video sẽ không biến mất, nó sẽ thay đổi một chút để phù hợp với xu hướng mới: chuyển sang dạng video ngắn (short video) dài chỉ khoảng 1 - 2 phút. Video sẽ chuyển nhiều sang dạng video dọc để thích ứng với: TikTok, reels video của Facebook... 

Trước kia diễn viên đóng video ngắn, còn giờ diễn viên sẽ trò chuyện và kể chuyện dài với người xem hàng giờ đồng hồ. Và khi livestream lên ngôi thì vai trò “nhân vật” sẽ được đề cao hơn với vai trò “chuyên gia”. Họ tác động vào cảm xúc và hành vi người tiêu dùng nhiều hơn so với các kênh mang tính truyền tin dạng báo chí, trang tin… trên mạng xã hội.  

Nói cách khách, vào giai đoạn tới, hành vi mua của đám đông sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự “giới thiệu” từ những “nhân vật” trên mạng xã hội. Các “nhân vật” sẽ là những người review, những người trải nghiệp, giúp cộng đồng có được lựa chọn phù hợp với nhu cầu của họ. Và những “nhân vật” này sẽ trở thành “bộ lọc” giúp mọi người có được lựa chọn mua sắm tốt nhất.

- Anh chuẩn bị gì cho xu hướng này? 

Tôi vẫn làm 2 thứ tôi thích làm nhất và làm tốt nhất: nội dung và “idol”. 

Trước kia tôi đã làm về nội dung và phát triển người nổi tiếng. Có những “idol” đã đến với chúng tôi “từ con số 0”, giờ đã trở thành người nhiều triệu follower một số người nổi tiếng … 

Tôi sẽ tiếp tục xây dựng 1 hệ sinh thái mới cho những “ngôi sao online” đó. Chỉ khác là mục tiêu lần này sẽ không chỉ là “thương hiệu” nữa (chỉ tác động tới cảm xúc đám đông) mà còn tác động tới hành vi mua sắm của đám đông nữa. 

Tôi có kế hoạch xây trường đào tạo về livestream bán hàng. Tôi cũng cung cấp các dịch vụ về TikTok và livestream để giúp các khách hàng tiếp cận 

Giai đoạn tới, chúng tôi dự định phối hợp cùng các đơn vị như: TikTok và Techfest Việt Nam triển khai các chiến dịch giúp các làng nghề Việt Nam tiếp cận được nhiều hơn tới khách hàng. Đây là xu hướng B2C (Business to Consumer) giúp các đơn vị sản xuất, các doanh nghiệp bán sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, không qua nhiều trung gian. 

Thúy Ngà