Cua dừa được xem là loài động vật chân khớp lớn nhất hiện đang sinh sống trên thế giới. Chúng xuất hiện nhiều trên các hòn đảo của Ấn Độ Dương và một phần ở Thái Bình Dương.

Khác với các loại cua thông thường, dù được sinh trưởng dưới nước nhưng khi phát triển, cua dừa lại thích sống trên cạn nên chúng phát triển cơ quan hô hấp bằng phổi, khiến mang cua thoái hoá, mất đi khả năng thở dưới biển, trở thành loại cua cực kỳ sợ nước. Chúng không thể bơi và sẽ bị chết đuối nếu chìm dưới nước trong thời gian dài. 

Đây là loại cua có kích cỡ lớn. Một con cua dừa trưởng thành có thể nặng đến 4kg, dài 1m. Cua dừa có phần đầu ngực lớn, gồm 10 chân và sở hữu bộ càng nặng nề được xem như áo giáp.

Nhờ sở hữu các khớp chân khỏe và cặp càng rắn chắc nên cua dừa có thể leo lên tận ngọn dừa, bổ toạc lớp vỏ để ăn phần cơm dừa bên trong.

cua dua leo cay 3.jpg
Cua dừa biết leo cây (Ảnh: Pháp Luật và Bạn Đọc)

Mỗi cặp chân còn lại được trang bị các móng sắc nhọn, tạo thế gọng kìm. Đến mùa sinh sản, những con cua dừa cái thường sử dụng cặp chân cuối cùng có kích thước nhỏ như một bàn tay để chăm sóc trứng.

Loại cua này giao phối ở trên cạn. Mùa sinh sản của cua dừa từ tháng 7 đến tháng 9 hàng năm. Theo đó, sau khi giao phối, đến khi trứng nở, cua cái sẽ ra biển để sinh sản. Các ấu trùng phù du sẽ có một thời gian sinh sống dưới biển trước khi chuyển hẳn lên cạn. Cua dừa khi còn nhỏ thường nấp vào vỏ ốc để bảo vệ bản thân. Cua dừa trưởng thành sẽ từ bỏ đại dương và chọn cuộc sống thích nghi hoàn toàn trên cạn.

Cua dừa thường ký cư ở gốc dừa và thân dừa. Nhờ khứu giác phát triển, cua dừa sử dụng nó để tìm kiếm các nguồn thức ăn xung quanh. Chúng ăn tạp từ rác đến các loại lõi cây non, gốc cây, thậm chí là cả xác chết của cá. Cua dừa thích ăn các loại hoa quả, đặc biệt là dừa và sung. Ngoài ra, các nhà khoa học còn phát hiện ra loài này có thể săn bắt và ăn thịt một số động vật nhỏ như chim hoặc chuột.

Loại cua này có khả năng leo trèo tốt để tránh các loài chim biển lớn tấn công hoặc tránh bị đồng loại ăn thịt.

Cua dừa trông khá kì dị, vừa giống cua vừa giống tôm hùm. Cua dừa có lớp vỏ màu đen, nâu sậm pha lẫn màu xanh, tím, vàng.

Có vẻ ngoài có phần hung hãn, đáng sợ, nhiều người nghĩ rằng cua dừa không ăn được. Nhưng thực ra, đây là đặc sản thơm ngon, bổ dưỡng. Ở một số ốc đảo, người dân thường khai thác, sử dụng cua dừa trong bữa ăn chính.

Với kích thước lớn, một con cua dừa có thể được chế biến cho nhiều người ăn. Trong khi nhiều loài cua khác chỉ ngon ở phần chân thì cua dừa lại có rất nhiều thịt ở tất cả bộ phận. Trứng cua dừa được tìm thấy bên trong các con cái được coi là phần ngon nhất ở loài này.

cua dua leo cay 2.jpg
Cua dừa có thể được chế biến thành nhiều món ngon (Ảnh: Thể Thao và Văn Hoá)

Thịt cua dừa có vị như tôm hùm, rất săn chắc và ngọt. Vì lạ và ngon nên chúng rất được ưa chuộng. Ngoài ra, thịt cua dừa còn chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể. 

Có nhiều cách để chế biến cua dừa, chẳng hạn như luộc, hấp nướng, làm phô mai bỏ lò hoặc sốt tiêu kiểu Singapore, cháy tỏi, nấu cháo. Những đầu bếp lành nghề có thể sẽ kết hợp cua dừa cùng các món hải sản khác để tạo thành bữa tiệc ẩm thực độc đáo.

Nhưng do bị săn bắt quá đà ở nhiều nơi nên ngày nay số lượng cá thể cua dừa đã giảm mạnh so với trước.

Loại cua này rất hiếm gặp ở thị trường Việt Nam. Ở nước ta, cua dừa được bán là hàng nhập khẩu, chủ yếu từ Nhật Bản hoặc Australia. Miền Tây nước ta cũng có giống cua tên là cua dừa nhưng là loài khác, hình dáng và kích cỡ không lớn như loài nêu trên.

Cua dừa được bán trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau, phổ biến khoảng 500.000 đồng/kg.

Đáng chú ý, vào tháng 3 vừa qua, một nhà hàng ở TP.HCM đã nhập một lô cua dừa về phục vụ thực khách. Theo đó, mỗi con cua dừa có trọng lượng từ 1,5-2kg, chiều dài sải chân khoảng 40-50 cm, được bán với giá từ 6-7 triệu đồng/kg.