-Người bình thường viết hồi ký thì rất nhiều, nhưng nghệ sĩ viết hồi ký thì luôn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Chính vì vậy những cuốn hồi ký của Lê Vân, Thương Tín, Ái Vân, Kim Cương...luôn là chủ đề nóng mỗi khi nó ra sạp.
Với người nổi tiếng, những giãi bày của họ trong hồi ký đôi khi không chỉ là vết cho mình mà còn ảnh hưởng rất nhiều tới những nhân vật mà họ viết ra. Và vì thế, luôn có 2 luồng ý kiến trái chiều về những cuốn hồi ký đó.
Nghệ sĩ Thương Tín - Một đời giông bão
Những lần chết hụt và số phận lang bạt kỳ hồ của Thương Tín được anh kể lại trong hồi ký của mình với cái tên "Thương Tín - Một đời giông bão" cũng 'gây bão' dư luận trong một thời gian dài bởi sự chân thực của nó.
Cuốn sách chỉ dày khoảng 200 trang và được chia thành 5 chương, gồm: Tuổi thơ nhiều biến động, Tuổi trẻ lãng mạn và khốc liệt, Hôn nhân không tình yêu, Những cuộc phiêu lưu tình ái, Một thời không thể nào quên!
Với từng chương hồi, Thương Tín kể lại tuổi thơ nhiều biến động khi bỏ nhà đi từ năm 13 tuổi rồi bị một bầu show cưỡng bức nhưng vẫn quyết tâm theo gánh hát... Rồi vì bảo vệ em trai mà anh chém người bị thương và phải đi cải tạo. Năm 16 tuổi, sau bao biến cố, ba mẹ quyết định xin cho anh vào học ở trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn.
Từ thời sinh viên tới khi kết thúc cuộc hôn nhân không tình yêu với người phụ nữ duy nhất anh làm hôn thú, Thương Tín đã trải qua rất nhiều phiêu lưu tình ái. Đôi khi, anh muốn dừng lại nhưng biến cố lại xảy ra... Người nghệ sĩ tài hoa và đào hoa ấy chỉ tìm thấy bến đỗ thực sự khi bé Bùi Thanh Thảo xuất hiện trong đời.
"Tôi coi đây là những chia sẻ thiệt tình từ đáy lòng, không hề có ý chế giễu hay nói xấu bất cứ ai. Tuy nhiên, do tính chất của thể loại hồi ký rất cần sự chân thực, nên ít nhiều sẽ đụng chạm tới các bạn đã từng thân giao, sơ giao cùng tôi", Thương Tín tâm sự. "Để ít ảnh hưởng nhất đến cuộc sống riêng tư của mọi người, có các câu chuyện, tôi sẽ sử dụng tên tắt, mong bạn đọc thông cảm và chia sẻ".
Khi ra mắt, cuốn hồi ký của anh đã nhận không ít chỉ trích khi công khai danh tính những người đàn bà đã từng đi qua cuộc đời mình.
Diễn viên Lê Vân - Yêu và sống
Lê Vân Yêu và Sống là tự truyện của nghệ sỹ múa, diễn viên điện ảnh Lê Vân, do nhà thơ nữ Bùi Mai Hạnh ghi, ra mắt người đọc tháng 10/2006. Cuốn tự truyện gồm 364 trang kể về cuộc sống thời niên thiếu khốn khổ của mình và gia đình, những xung đột về tình cảm giữa bố mẹ là 2 nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam, Trần Tiến - Lê Mai và sau đó là ba mối tình, lúc đầu với một người Việt, sau đó là một Việt Kiều và hiện nay với một người mang quốc tịch Hà Lan...
Xung quanh tự truyện này đã nổi lên nhiều tranh luận, nhiều bài báo khen chê sau khi tác phẩm được xuất bản. Phần bị chê nhiều là "Lê Vân đời thực" vì những ứng xử không hợp chuẩn mực của người Việt, tuy cũng được khen là sống trung thực, dám kể hết về mình và người thân.
Phần được khen là Lê Vân - nhân vật. Một người sống thật, yêu hết mình, sống cho mình theo những chân giá trị đạo đức mới, không cổ hủ, không nhẫn nhịn.
Nghệ sĩ Thành Lộc - Tâm thành và Lộc đời
Cuốn tự truyện "Tâm thành và lộc đời" của nghệ sĩ Thành Lộc hút độc giả bởi lần đầu tiên chuyện yêu đương - chủ đề tò mò lớn nhất của người hâm mộ được anh tiết lộ. Thứ nữa là một giấc mơ đã đeo đẳng người nghệ sĩ tài hoa này để rồi anh biết rằng, anh sinh ra là để dành cho sân khấu và sống trọn với nó.
Và cuối cùng, cuốn tự truyện này như là một thông điệp nhắn nhủ với các bạn trẻ rằng có một Thành Lộc luôn lạc quan dù trong bất kì tình huống nào. Để có được niềm lạc quan đó, phải chuẩn bị cho mình một tâm thế nhìn cuộc sống như một trái táo thơm và quyến rũ, dù có những chỗ bị sâu, bị dập... khiến mình không hài lòng. "Sống là một nghệ thuật, khi cắn trái táo đó để cảm nhận về đời sống, vũ trụ, nghệ thuật... thì biết lựa nơi. Thậm chí nếu có cắn phải vị đắng thì ta cũng hiểu được chính vị đắng đó giúp ta nhận thức được giá trị của vị ngọt. Đó là những giá trị của cuộc đời, giúp ta nhận ra tồn tại hay không tồn tại", nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ.
Ca sĩ Khánh Ly - Đằng sau những nụ cười
Cuốn "Đằng sau những nụ cười" của Khánh Ly tập hợp những trang tản mạn của nữ danh ca hàng chục năm qua - đây gần như là những ghi chép mang tính tự truyện về cuộc đời Khánh Ly. Chân dung "người đàn bà hát" hiện rõ qua từng trang sách, từ tính cách đến các sự kiện, nhân vật quan trọng xoay quanh cuộc đời đầy thăng trầm của bà.
Khánh Ly đã chia sẻ trong cuốn tự truyện này những bài học về cuộc sống, từ thế thái nhân tình, từ những lần vấp ngã đau đớn và những phút thăng hoa. Các bài học xương máu lẫn quả ngọt đến từ nghiệp ca hát góp phần hình thành nên diện mạo một nhân vật thú vị của làng âm nhạc Việt Nam.
Danh ca Ái Vân - Để gió cuốn đi
Không nhờ ai chấp bút mà chính ca sĩ Ái Vân đã tự viết về cuộc đời mình ở quyển tự truyện "Để gió cuốn đi". Trong sách, Ái Vân kể về những lý do vì sao chị buộc phải rời khỏi Tổ quốc vào năm 1990 khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao với bao nhiêu đãi ngộ từ Nhà nước. Chị cũng cho biết chính bản thân chị đã tự xóa trắng 8.808 chữ về giai đoạn vượt biên của mình bởi bản thân quá đau đớn và sợ đem lại sự đau đớn cho những người liên quan.
Nghệ sĩ Kim Cương - Sống cho người sống cho mình
Trong cuốn "Sống cho người sống cho mình" - nữ nghệ sĩ Kim Cương giễu mình là người có cuộc đời "phức tạp" với rất nhiều mối quan hệ, nhiều thăng trầm, sướng khổ, buồn vui qua hơn 40 năm gắn bó với sân khấu, nghệ thuật. Tuy vậy, dường như những rưng rưng, xúc động và nước mắt đã được nén vào các trang sách.
T.Lê