Việt Nam hơi ngược dòng thế giới

Trong cuộc phỏng vấn gần đây nhân dịp quay lại Việt Nam để xem xét việc thực hiện Hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam (EVFTA) sau 2 năm, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange nói rằng, Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt, tốc độ tăng trưởng lên gần 7%, nền kinh tế phục hồi tốt sau đại dịch. Đại sứ của Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti bổ sung thêm, Việt Nam chủ động cung cấp được lương thực, thực phẩm do điều kiện thiên nhiên ưu đãi.

Những yếu tố trên là điểm sáng trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chao đảo với lạm phát cao, lãi suất cao, đứt gãy chuỗi cung ứng về lương thực, nhiên liệu, và suy thoái.

Nhận xét trên có vẻ tương đồng với đánh giá của các tổ chức quốc tế. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm nay, cao hơn 1 điểm % so với mức dự báo của 3 tháng trước đó và là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á. Ông François Painchaud, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho biết: “Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á và khu vực ASEAN mà chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng”.

Góc nhìn của quốc tế về nền kinh tế như trên khá là tích cực, như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tổng kết tại Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022. Ông chia sẻ rằng, dường như Việt Nam hơi ngược dòng thế giới và nhận xét, trong bối cảnh thế giới tăng trưởng thấp thì Việt Nam tăng trưởng cao, thế giới lạm phát thì Việt Nam kiểm soát được lạm phát ở mức thấp. Dự báo tăng trưởng năm nay ở kịch bản thận trọng nhất được xác định có thể đạt trên 7%, lạm phát có thể kiểm soát ở mức dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt đạt 175 tỉ USD, gấp 2 lần GDP.

Rõ ràng, các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường đã giúp nền kinh tế sôi động như thế nào sau khi đã đông cứng trong mấy năm đại dịch.

‘Khó khăn, thách thức ngày càng tăng’

Song, trong suốt mấy tháng qua, Chính phủ, Quốc hội và nhiều tổ chức đã liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để đánh giá, nhận diện về nền kinh tế trong nước trước tác động của kinh tế thế giới nhằm tìm ra các giải pháp ứng phó phù hợp. Điều đó cho thấy, nền kinh tế đang gặp những trục trặc và bất lợi, đặc biệt khi Việt Nam đã hội nhập cực kỳ sâu rộng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất. Ảnh: VGP

Câu hỏi lớn đặt ra: nền kinh tế nói chung đang ở tình trạng như thế nào? Có lẽ, cần trích dẫn lại ý kiến thống nhất chung của  Bộ Chính trị, Ban Bí thư khi xem xét đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" gần đây: “… vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm; nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu nếu không quyết liệt đổi mới tư duy và hành động trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Đánh giá cô đọng đó là rất xác đáng về hoàn cảnh kinh tế, cả trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt khi tăng trưởng GDP đã rơi xuống thấp bậc nhất kể từ Đổi mới sau 2 năm Covid-19. Tăng trưởng năm nay, năm sau có đạt mức cao như thế nào cũng rất khó bù đắp vào những khoảng trống thiếu hụt mà nền kinh tế đã trải qua kể từ khi Covid-19 xuất hiện từ đầu năm 2020. Các tính toán cho rằng, tốc độ tăng trưởng có thể rơi xuống 5-5,5% trong kỳ phát triển này, mức thấp nhất trong các kỳ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm kể từ Đổi mới.

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phác họa: Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến mới, chưa từng có tiền lệ, rất khó dự báo hoặc không thể dự báo; rủi ro, bất định ngày càng gia tăng, biến động chính sách ngày càng nhanh. Trong bối cảnh đó, ông cho rằng, áp lực, khó khăn và thách thức trong những tháng cuối năm 2022, năm 2023 “ngày càng gia tăng”; rủi ro, thách thức tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô là “rất lớn”.

Ông nhận định, khó khăn, thách thức ngày càng tăng, nhất là áp lực lạm phát, tăng chi phí sản xuất, rủi ro về chuỗi cung ứng; nhu cầu các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống suy yếu; khả năng cạnh tranh, bảo vệ và giữ ổn định thị trường trong nước; điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta.

Những ngôn từ của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư là rất hiếm gặp, kể cả trong các cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam và thế giới trong hai ba chục năm trở lại đây.

Vai trò của Nhà nước quyết định

Cần nhắc lại trong 8 tháng năm nay có hơn 104 ngàn doanh nghiệp buộc phải rút lui khỏi thị trường, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2021. Điều đó cho thấy trụ cột của nền kinh tế đang khó khăn như thế nào trong ngắn hạn.

Trong khi đó, cả chính sách tiền tệ và tài khóa dường như không theo kịp nhu cầu, đòi hỏi của nền kinh tế đã mở lại sau đại dịch.

Về tài khóa, sau 8 tháng, tỷ lệ giải ngân gói kích thích 350 ngàn tỷ mới đạt 16%, giải ngân đầu tư công mới chỉ đạt 40%. Nhiều công trình, dự án công, đặc biệt là các dự án trọng điểm rất khó khăn để triển khai do giải phóng mặt bằng chậm, do đơn giá tăng cao và thủ tục hành chính phức tạp.

Trong khi đó, chính sách tiền tệ đang rất phân vân. Nhiều chuyên gia đã đề nghị nới tăng trưởng tín dụng thêm 2% sau khi quota tín dụng 14% gần như đã cạn. Thanh khoản đang là vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp, nhiều dự án tốt, có khả năng sinh lời của nhiều doanh nghiệp đang phải dừng lại dang dở do thiếu vốn. Lạm phát vẫn thấp, chỉ hơn gần 2,6% trong 8 tháng và dưới 4% cả năm thì không rõ chính sách tiền tệ đang chống lạm phát gì đây?

Gần đây, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP toàn cầu năm tới chỉ tăng 0,5% và GDP bình quân đầu người lại giảm 0,4%. Trên lý thuyết, đây là suy thoái toàn cầu và kéo theo sự sụt giảm về sản xuất công nghiệp, thương mại, dòng vốn, tuyển dụng và tiêu thụ dầu trên toàn thế giới.

Điều này có nghĩa, dù tăng trưởng vẫn cao và lạm phát thấp, nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro và rào cản, cả trong ngắn hạn và trung hạn. Đây là thực tế không tô hồng, không bôi đen. Xin nhắc lại đánh giá đã nêu trên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư “…nếu không quyết liệt đổi mới tư duy và hành động”. Đánh giá đó rõ ràng là trách nhiệm và cũng là thách thức cho các cán bộ, công chức trong bộ máy để nền kinh tế thoát ra khỏi hoàn cảnh hiện nay và để đất nước vươn lên đạt các mục tiêu phát triển thịnh vượng trong các thập kỷ tới đây.