Đúng là “Hải Phòng không lòng vòng”. Nói sao là làm vậy! Họ không vì e ngại vắc xin Trung Quốc mà chậm chân từng “giờ vàng” để đủ thời gian có thể kén chọn khi mà đại dịch đe dọa hơn 1,3 triệu người dân thành phố từng giờ, từng ngày.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại Hải Phòng |
Gần đây, nhờ có những chủ trương rất nghiêm túc và bản lĩnh, dám làm, dám chịu trách nhiệm của lãnh đạo nơi đây, Hải Phòng đã thoát hiểm mấy trận chiến của đại dịch Covid-19. Có lẽ các địa phương bạn cũng nên học hỏi cho dù Hải Phòng từng bị tiếng là một cửa ngõ “khắt khe quá mức cần thiết”, là “ngăn sông cấm chợ”…
Tôi thì tuổi cao và từng có bệnh nền cho nên thú thực, khi nghĩ đến chuyện phải tiêm và được tiêm thì cũng có chút lăn tăn vắc xin loại nào nếu như đến lượt. Tuy nhiên, nếu phân tích thì thấy lãnh đạo Hải Phòng khá bản lĩnh và đáng trân trọng khi có đề xuất nói trên.
Khi nhà đang cháy mà vẫn còn chọn nước trong để dập lửa thì đúng là buồn cười thật!
Cái lý của người Hải Phòng
Hỏi một số bè bạn của tôi hồi nhỏ cùng học ở Hải Phòng thì nghe đám bạn nói kể cũng có lý. Tụi bạn tôi phân tích 3 lý do sau:
Vắc xin Sinopharm đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép. Tức là nó đã được cơ quan chuyên môn cao nhất thế giới thẩm định.
Trung Quốc đã tiêm từ rất sớm cho dân họ mà nhờ thế, đất nước này nhanh chóng vượt qua thảm họa một cách khá thuyết phục. Rõ ràng là nhờ có sự chủ động của hàng tỷ liều vắc xin nước họ tự sản xuất và sau đó bán, viện trợ cho cả thế giới.
Rồi có những anh nhà giàu, ví dụ như nước UAE. Họ có nguồn tài nguyên “dầu mỏ đủ ngập chết người”, tiền tiêu không hết. Thế nhưng lại mua mấy chục triệu liều vắc xin Sinopharm cho dân tiêm từ đầu, rất sớm, khi dư luận cả thế giới còn đang hoài nghi về”bí ẩn virus”. Nhờ đó mà quốc gia này từ cuối năm trước đã thoát khỏi đại dịch với tỷ lệ chủng ngừa rất cao.
Chỉ 3 lý lẽ người Hải Phòng đưa ra, tôi thấy họ cũng có cái lý của mình, nhất là chuyện Chính phủ UAE, một đất nước giàu có, vẫn tự tin dùng. Người giàu càng sợ chết kia mà!
Ấy vậy mà họ vẫn tin và dùng từ rất sớm. Điều này đã cho thấy họ rất bản lĩnh. Còn dân mình, dù nghèo, Chính phủ cũng đang lo cho dân, đẩy nhanh tốc độ mua vắc xin, hợp tác sản xuất… trong khi dân thì vẫn còn“kén cá chọn canh” cho dù đây là lúc nguy cơ cao.
Chả nhẽ há miệng chờ ho
Tôi từng là một người lính tham gia quân ngũ 9 năm (1978-1986), tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc. Thế nên thực tình cũng có hoài nghi. Thế nhưng có lẽ cũng không nên thái quá khi mà toàn dân Việt ta phải đứng trước sự lựa chọn sinh tử lúc này, hoặc được tiêm chủng nhanh, hoặc há miệng chờ ho (chọn vắc xin) sao?
Tất nhiên, quyền tiêm hay không còn là sự lựa chọn của mỗi cá nhân. Song, với một thành phố dự kiến sẽ tiêm trên 2 triệu liều cho dân thì 500 nghìn liều vắc xin nói trên là khá lớn. Chỉ cần được tiêm sớm 2 tuần, người Hải Phòng đã bớt đi sự “phòng thủ” bị động trong một nỗi chờ đợi đầy lo âu, khi mà chủ trương phân bổ vắc xin của Bộ Y tế lại theo hướng ưu tiên cho các vùng dịch đậm đặc trước.
Vì thế đây cũng là cách có thể giành lại thế chủ động trong tình trạng bị động. Bằng cách làm này, Hải Phòng thật bản lĩnh, đáng nể.
Tôi ngẫm lại mấy điều mà bạn tôi bày tỏ. Bây giờ, chính người phân vân lúc này lại là tôi. Nay tôi đã 66 tuổi rồi mà vẫn chờ phường gọi đi tiêm, hết ngày này qua ngày khác còn hơn cả đám trẻ con chờ mong đến ngày Tết, thì tim tôi nếu không sinh bệnh, đập loạn nhịp mới là lạ!
Cho dù có hoài nghi lâu nay, thế nhưng có một thực tế, cũng đâu dễ làm nổi là buộc cả giới y học Trung Quốc làm trái Lời thề Hippocrates?
Ta cần nhớ, họ cũng phải thề trước khi cầm tấm bằng tốt nghiệp ra trường trong đó có một câu rất rõ rằng: “Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sảy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”.
Tất cả các nhà y dược học trên thế giới, trong đó có Trung Quốc đều có lương tâm trách nhiệm trước số phận của nhân loại. Vì thế, tôi thấy cách xử lý của người Hải Phòng và lãnh đạo Hải Phòng thật có lý.
Quốc Phong
Chuyện lạc quan từ cặp vợ chồng mắc Covid và bài tập thở của vị giáo sư
Mỗi người dân phải được chuẩn bị tinh thần lạc quan và kỹ năng chống dịch để bảo vệ mình và người thân trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng này.