Luật Tần số vô tuyến điện sẽ thúc đẩy mục tiêu đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc.

Trong quá trình xây dựng, trình và hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, quan điểm chỉ đạo, tư tưởng xuyên suốt của Chính phủ, Lãnh đạo Bộ TT&TT đối với dự án Luật này đó là quản lý chặt chẽ, phân bổ hợp lý, hiệu quả quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Đồng thời, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông, thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, góp phần tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đại diện Cục Tần số vô tuyến điện cho hay, kinh nghiệm của các quốc gia về quản lý nguồn tài nguyên tần số là một góc nhìn quan trọng, một trong những cơ sở nghiên cứu để đề xuất chính sách mới về quản lý tần số vô tuyến điện trong dự án Luật sửa đổi. 

“Trong quá trình soạn thảo chúng tôi đã nghiên cứu quy định 73 luật liên quan của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Có những vấn đề đã được nghiên cứu rất kỹ lưỡng không chỉ trong luật mà cả trong thực tiễn thực thi pháp luật của các nước chẳng hạn như quy định về đấu giá, thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện. Qua đó, chúng tôi thấy rằng, đấu giá là một xu hướng chủ đạo trên thế giới những năm qua về cấp phép sử dụng băng tần có giá trị thương mại cao như là băng tần dành cho thông tin di động. Và đây là sở cứ quan trọng cho đề xuất về vấn đề đấu giá trong sửa đổi Luật tần số lần này. Tương tự như vậy, các vấn đề liên quan đến cấp lại giấy phép sử dụng băng tần, thu hồi giấy phép... cũng được chúng tôi nghiên cứu rộng rãi kinh nghiệm quản lý của các nước”, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện nói.

Mục tiêu của việc xây dựng Luật này là nhằm thể chế hóa Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc XIII của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên; hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tạo động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bên cạnh đó, thể chế hóa Nghị quyết số 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đưa ra mục tiêu “đến năm 2030 mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp”.

“Thông qua việc thể chế hóa kịp thời các chủ trường mới của Đảng, Nhà nước, việc sửa đổi dự thảo Luật nhằm thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số, cụ thể là việc quản lý, sử dụng tần số có giá trị thương mại cao; quản lý, sử dụng tần số trong đo kiểm, nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ mới; quản lý đào tạo, cấp chứng chỉ vô tuyến điện viên, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ chủ quyền về tần số và quỹ đạo vệ tinh. Mặt khác, việc sửa đổi một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện lần này cũng nhằm hoàn thiện các quy định, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật”, ông Lê Văn Tuấn cho biết.