Phóng viên báo VietNamNet phỏng vấn TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT), nguyên giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội về định hướng cho điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” cũng như tương lai của điện tái tạo.

- Qua theo dõi quá trình xây dựng dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà "tự sản tự tiêu", ông có bình luận gì về những cơ chế được đưa ra?

TS Lê Hải Hưng: Theo góc nhìn của tôi, hiện nay chúng ta vẫn trong tình trạng rất lúng túng, chưa tìm được lối đi cho điện mặt trời mái nhà. Từ chỗ đáng lẽ nhà chức trách phải “đi trước và hướng dẫn” thì vô hình chung lại thành người “đi sau và giải quyết hậu quả” cuộc khủng hoảng điện mặt trời mái nhà.

Trong 1 năm qua, chỉ cần theo dõi các đề xuất của Bộ Công Thương thôi, chúng ta đã thấy rất nhiều ý kiến không đồng nhất. Đầu tiên là không cho phát điện dư lên lưới, nhưng sau đó thấy dư luận, báo chí phản đối thì lại cho phát lên lưới nhưng mua với giá 0 đồng! Cụm từ “mua với giá 0 đồng” dường như lại thêm một chủ đề được dư luận “mổ xẻ”. Sau đó ít lâu, hình như muốn xoa dịu dư luận, ngày 12/7/2024, Bộ Công Thương đã đề xuất phương án cho các nhà đầu tư điện mặt trời mái nhà được bán một phần điện dư theo khung giờ với giá 671 đồng/kWh. Nói thật là tôi không hiểu căn cứ vào đâu mà nhà chức trách lại đưa ra con số này. 

Đầu năm 2024, tôi có chuyến công tác tại Trung Quốc. Từ căn phòng khách sạn Ocean ở Quận Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, tôi nhìn thấy rất nhiều mái nhà lắp điện mặt trời, trong khi cường độ bức xạ mặt trời ở Chiết Giang thấp hơn mức trung bình ở Việt Nam. Xem ra chính sách cho điện mặt trời mái nhà Trung Quốc hơn hẳn mình rồi. Việt Nam mới có chút điện mặt trời áp mái mà đã rất nhiều ý kiến khác nhau, không nhất quán.

Chính vì thế cho đến bây giờ, người dân, doanh nghiệp vẫn chưa hiểu văn bản nào sẽ là văn bản cuối cùng về điện mặt trời mái nhà.

le hai hung.jpg
TS Lê Hải Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ (IRAT).

- Theo ông giờ cần ứng xử thế nào với điện mặt trời mái nhà "tự sản tự tiêu", nhất là khi dự thảo Luật Điện lực có đưa nội dung này vào Luật?

Rất may mắn, ngày 5/8/2024, tôi được tham dự và phát biểu tại Hội thảo “Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực sửa đổi” do Uỷ ban Khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức. Luật Điện lực sửa đổi đã chú trọng đến phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Điều này đúng với tinh thần của Quy hoạch điện VIII.

Tuy nhiên, các phần nói về phát triển năng lượng tái tạo cụ thể là “Điện mặt trời tự sản tự tiêu” đối với các hộ cá thể, nhiều đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật trình bày thiếu mạch lạc. Điều này chứng tỏ là Ban soạn thảo cũng khá lúng túng trong việc tiếp cận với hiện trạng phát triển điện mặt trời mái nhà. Chuyện này giống như Bộ Công Thương và EVN vẫn chưa hết lúng túng trong việc giải quyết điện mặt trời mái nhà dư thừa hiện nay.

Cụ thể là: Việc quy định giới hạn công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà của các hộ là chưa hợp lý (nếu không muốn nói là vô lý).

Việc quy định “không được bán điện tự sản tự tiêu cho các hộ khác cũng vô lý”, thậm chí là vi phạm những quy định về thương mại thông thường.

Tôi cũng băn khoăn việc đưa khái niệm điện mặt trời tự sản tự tiêu vào Luật. Được biết, hiện nay, không chỉ điện mặt trời mái nhà mà điện gió cũng đang ở trong tình trạng “khủng hoảng thừa” và nếu trong tương lai có một loại năng lượng tái tạo khác thì có được gọi là tự sản tự tiêu hay không? Tại sao không gọi là năng lượng tái tạo tự sản tự tiêu mà lại gọi riêng là điện mặt trời tự sản tự tiêu.

Tôi cho rằng, theo tinh thần của Quy hoạch điện VIII, với mục tiêu tăng cường phát triển năng lượng tái tạo thì việc “khống chế” phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu là biểu hiện không nhất quán, thậm chí “ngược dòng” với Quy hoạch điện VIII.

Chúng ta cũng cần thấu hiểu rằng, ở thời điểm hiện tại, đó là do sự phát triển bùng nổ và “ngược pha với nhu cầu sử dụng” của điện mặt trời. Mặt khác, chúng ta cũng không thể và không nên đầu tư quá nhiều tiền bạc vào hệ thống lưới điện miễn chỉ để tiếp nhận và sử dụng hết công suất đột biến của điện mặt trời mái nhà. Việc xử lý điện mặt trời mái nhà dư thừa trong giai đoạn này đều là những giải pháp tình thế chứ chưa phải là kế sách lâu dài của cơ quan chức năng. 

Cũng cần nhận thức rằng, các vướng mắc trên không phải là “lỗi” của điện mặt trời mà là do năng lực, nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, chưa “chinh phục” được điện mặt trời mà thôi. Vì vậy, tại giai đoạn đặc biệt này không nên đưa vấn đề điện mặt trời tự sản tự tiêu vào luật mà hãy thay chúng bằng những văn bản khác linh động hơn. 

Trong trường hợp nhất định phải đưa các điều khoản về điện mặt trời tự sản tự tiêu vào Luật Điện lực mới, tôi cho rằng có thể sớm phải sửa đổi lần tiếp theo.

dien mat troi.jpeg
TS Lê Hải Hưng cho rằng thời gian 10 năm tới điện tái tạo vẫn chưa thể là nguồn năng lượng đáng tin cậy cho phát triển đất nước. Ảnh: Thạch Thảo

- Vừa qua, Bộ Công Thương đã có dự thảo báo cáo về sửa Quy hoạch điện VIII, trong đó có nội dung nâng công suất điện mặt trời, bao gồm điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu. Ông đánh giá thế nào về điều này?

Điện mặt trời nói chung và điện mặt trời mái nhà nói riêng là phát lệch pha về thời gian và không gian với nhu cầu sử dụng. Lệch pha về mặt thời gian tức lúc ta cần thì không có, còn lúc có lại cần ít hoặc không cần. Ví dụ, đầu giờ sáng ai ai cũng hối hả chuẩn bị bữa sáng thì mặt trời chưa lên nên không có điện. Đến khi mọi người đã ra khỏi nhà, tới công sở làm việc thì điện mặt trời lại phát rất nhiều. Buổi chiều tối mọi người về nhà, với bao nhiêu việc cần dùng điện, đường phố cần sáng đèn thì lại không còn mặt trời.

Gần đây,  Bộ Công Thương lại công bố rằng cho phép bán điện mặt trời mái nhà 100% nếu phát từ pin lưu trữ. Tôi cho rằng, lý do là Bộ nắm được trong thời gian tới, lượng điện phát từ pin là vô cùng nhỏ bé vì giá thành pin lưu trữ rất cao. Nhưng ta hãy cứ tưởng tượng, giả sử giá pin rẻ đến mức nhà nào cũng có thể lưu trữ rồi phát lên thì lại có “khủng hoảng điện phát từ pin lưu trữ” cho mà xem. 

Vì vậy, trong khi phát triển điện mặt trời, chúng ta cũng phải phải tính đến những phương án để nâng cao hiệu quả sử dụng, như phát triển và áp dụng công nghệ lưu trữ điện năng tái tạo. Mặt khác, về lâu dài, cũng cần nghiên cứu triển khai các nguồn năng lượng ổn định, tin cậy và đủ công suất, ít phát thải như điện gió, điện khí, điện sinh khối, thậm chí điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng và đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển đất nước.

- Vậy chúng ta có thể dựa vào điện tái tạo trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia hay không, thưa ông? 

Ai trong chúng ta cũng biết rằng năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ, khí đốt...) ngày càng cạn kiệt, buộc con người phải tìm các nguồn năng lượng mới. Ngoài ra, năng lượng hóa thạch phát thải nhiều khí nhà kính, làm biến đổi khí hậu, làm trái đất nóng lên, nước biển dâng và những biến đổi thời tiết cực đoan như lũ lụt, bão tố hủy hoại môi trường sống, mất mùa..., đe dọa sự tồn tại bình thường của nhân loại.

Trong khi đó, năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, sóng biển, địa nhiệt... vĩnh cửu và vô tận mới là những nguồn năng lượng duy trì sự tồn tại của loài người.

Hệ thống điện của nước ta có điểm rất không thuận lợi là chỉ có một trục cơ bản là đường dây 500kV chạy dài theo chiều dài của đất nước. Như vậy, nếu có sự cố xảy ra với trục cơ bản này là có thể gây mất điện hay thiếu điện của cả một vùng, là ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.

Phải nhìn nhận thực tế rằng, nước ta bây giờ chưa thực sự có an ninh năng lượng. Vào đầu mùa nắng nóng nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến mà không may vài nhà máy điện xảy ra sự cố, hệ thống truyền tải gặp trục trặc là gay go ngay. Chắc chúng ta chưa quên sự cố mất điện diện rộng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đầu Hè 2023 đã làm thiệt hại hàng tỷ USD cho nền kinh tế.

Vì vậy, Quy hoạch điện VIII với tinh thần cơ bản, xuyên suốt là “giảm dần năng lượng hóa thạch, tăng dần tiến tới sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo” là thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay với các thế hệ tương lai.

Tuy nhiên, trong nhận thức của tôi, thời gian 10 năm tới điện tái tạo vẫn chưa thể là nguồn năng lượng đáng tin cậy cho phát triển đất nước.

- Ông có sợ bị “ném đá” vì quan điểm này không?

Cá nhân tôi không những không sợ bị "ném đá" mà còn hy vọng sẽ nhận được chia sẻ từ nhiều người mà trước hết bạn đọc VietNamNet về những nhận định trên của mình.

Chúng ta phải cần tách bạch hai vấn đề là “Phát triển năng lượng tái tạo là tất yếu” với “Năng lượng tái tạo chưa phải là động lực” là hai câu chuyện hoàn toàn khác nhau.

Điều đó có nghĩa là, để triển khai Quy hoạch điện VIII theo đúng lộ trình và thực hiện cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 thì phát triển năng lượng tái tạo là xu hướng không thể đảo ngược, là đương nhiên. Nhưng nhìn vào những gì đang xảy ra với điện mặt trời, với điện gió hiện nay mà nói rằng trong 10 năm tới năng lượng tái tạo là động lực, là trụ cột thì có lẽ ta đã hơi chủ quan chăng.