Năm 2023, Hội đồng Dân tộc quyết tâm chung sức, đồng lòng, phấn đấu cùng Quốc hội hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm, đồng thời luôn dành ưu tiên cao nhất cho sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của đồng bào các DTTS và nhân dân vùng miền núi, biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Phóng viên Cổng TTĐT Quốc hội có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm bên thềm năm mới Quý Mão 2023.
Năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Các Chương trình mục tiêu quốc gia này có vai trò trò quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình và đón nhận của nhân dân đặc biệt là của đồng bào các dân tộc.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm:
Bên thềm năm mới Quý Mão 2023, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội có cuộc phỏng vấn Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm để làm rõ hơn về định hướng hoạt động của Hội đồng Dân tộc năm 2023, trọng tâm giám sát của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như những kỳ vọng của cử tri, nhân dân qua cuộc giám sát này.
Tập trung triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023
Phóng viên: Năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Xin Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chia sẻ về định hướng hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong năm nay?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Với chức năng, nhiệm vụ đã được Hiến định, Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, năm 2023 Hội đồng Dân tộc quyết tâm chung sức, đồng lòng, phát huy tinh thần tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu cùng Quốc hội hoàn thành cao nhất Kế hoạch năm 2023, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Hội đồng Dân tộc luôn xác định ưu tiên cao nhất cho sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội của đồng bào các DTTS và nhân dân vùng miền núi, biên giới, khu vực có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, với một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, về công tác lập pháp, tiếp tục tập trung thực hiện Kế hoạch số 208 năm 2021 của Hội đồng Dân tộc triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Hội đồng Dân tộc sẽ tập trung nghiên cứu, tổ chức các hoạt động để phục vụ nhiệm vụ tham gia ý kiến, phối hợp thẩm tra đối với các dự án luật trình Quốc hội trong năm 2023, trong đó tập trung vào các dự án luật có nhiều tác động đến lĩnh vực dân tộc, như: dự án luật Đất đai (sửa đổi); dự án luật Hợp tác xã (sửa đổi)…
Hai là, về công tác giám sát, Hội đồng Dân tộc sẽ tập trung cao độ cho việc chủ trì tham mưu Quốc hội triển khai nhiệm vụ giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG xây dựng nông thôn mới; CTMTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN). Bên cạnh đó, triển khai Nghị quyết số 560 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc sẽ thực hiện giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực dân tộc theo kế hoạch.
Ba là, Hội đồng Dân tôc sẽ tiếp tục chủ trì thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN theo Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức các hoạt động liên quan triển khai Kết luận của UBTVQH về phân định miền núi, vùng cao (xây dựng kế hoạch; nghiên cứu xây dựng tiêu chí; khảo sát, rà soát phân định; xây dựng báo cáo rà soát, kiến nghị điều chỉnh pháp luật, chính sách liên quan đến phân định miền núi, vùng cao)
Bốn là, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐDT, đảm bảo các nội dung đổi mới trong Đề án được quy định cụ thể, đầy đủ và được tổ chức thực hiện hiệu quả.
Năm là, xây dựng, hoàn thiện, trình ban hành Đề án của Đảng đoàn Quốc hội nghiên cứu, đồng bộ hóa chính sách dân tộc trong hệ thống chính sách, pháp luật theo các nghị quyết của Đảng và Hiến pháp 2013.
Đó là những nhiệm vụ chủ yếu hết sức quan trọng trong công tác của Hội đồng Dân tộc năm 2023, trên cơ sở bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, các định hướng, quyết sách của Quốc hội, các chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc sẽ nỗ lực, quyết liệt triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2023 để hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra.
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc thời gian tới
Phóng viên: Với việc thông qua Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Đề án này sẽ có tác động như thế nào tới hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong thời gian tới?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Trước yêu cầu của thực tiễn đổi mới của Quốc hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng đoàn Quốc hội ban hành Quyết định số 2362-QĐ/ĐĐQH15 ngày 24/6/2021, xác định 107 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ quan trọng: “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước Việt Nam pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, yêu cầu HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội xây dựng Đề án đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay.
Thực hiện chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, ngày 12/12/2022, Hội đồng Dân tộc đã ban hành Nghị quyết số 722/NQ-HĐDT15 phê duyệt Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc”. Đề án đã xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong thời gian tới theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc.
Về hoạt động lập pháp, Đề án đề ra 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nổi bật là giải pháp: Nghiên cứu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện văn bản “Hướng dẫn thẩm tra và tham gia thẩm tra việc đảm bảo chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh và dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham gia ý kiến về việc ban hành quy định thực hiện chính sách dân tộc của Chính phủ”.
Đây là giải pháp rất quan trọng vì trong thời gian qua, công tác nghiên cứu, tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, đại điện các cơ quan, tổ chức hữu quan về dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết và khảo sát thực tiễn để phục vụ cho hoạt động thẩm tra, tham gia thẩm tra việc bảo đảm chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Hội đồng Dân tộc chưa được quy định và triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, làm hạn chế một phần chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra, tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.
Hội đồng Dân tộc cho rằng, việc thực hiện giải pháp trên sẽ có tác động tích cực, góp phần quan trọng, có ý nghĩa quyết định để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thẩm tra, phối hợp thẩm tra chính sách dân tộc trong các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như việc cho ý kiến góp ý vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác dân tộc.
Bên cạnh đó, Đề án còn đưa ra các giải pháp, nhấn mạnh vị trí, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, các đồng chí Thường trực Hội đồng Dân tộc phụ trách các Tiểu ban của Hội đồng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động phục vụ cho hoạt động thẩm tra, phối hợp thẩm tra theo lĩnh vực được phân công.
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Hội đồng Dân tộc biểu quyết thông qua Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Dân tộc.
Về hoạt động giám sát: Đề án đề ra 06 nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc, tôi xin nhấn mạnh 03 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, nhóm giải pháp tăng cường, cải tiến hoạt động giám sát chuyên đề, theo hướng ban hành Nghị quyết của Hội đồng Dân tộc về kết quả giám sát, phát huy vai trò các chuyên gia, các cơ quan thông tin đại chúng cùng tham gia; xây dựng các đánh giá độc lập, các hoạt động giám sát đảm bảo thực hiện bài bản và chuyên sâu hơn. Đồng thời, tăng cường, cải tiến hoạt động khảo sát chuyên đề để làm cơ sở bổ sung thêm thông tin cho công tác giám sát;
Thứ hai, tăng cường, cải tiến hoạt động giải trình, theo hướng, tăng số lượng, chất lượng phiên giải trình và nhóm vấn đề cần giải trình, để xử lý các vấn đề bức xúc, nổi lên trong thực tiễn ở vùng đồng bào DTTS&MN, góp phần thúc đẩy để các cơ quan chức năng nhà nước minh bạch hơn, giải quyết nhanh hơn, kịp thời hơn, hiệu quả hơn các vấn đề thực tiễn đặt ra, liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Thứ ba, tăng cường, cải tiến việc theo dõi, đánh giá thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát theo hướng: Nghiên cứu, xây dựng ban hành và triển khai thực hiện “Quy trình theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện kết luận, kiến nghị của Hội đồng Dân tộc”, đảm bảo nâng cao chất lượng nội dung kết luận, kiến nghị; quy định rõ trách nhiệm của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Tiểu ban; Lãnh đạo Vụ Dân tộc, Nhóm chuyên môn và trách nhiệm cá nhân trong việc theo dõi, đôn đốc, giải quyết các kiến nghị; trách nhiệm cơ quan có thẩm quyền giải quyết kiến nghị; thời hạn giải quyết kiến nghị…
Về công tác tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến công tác dân tôc, chính sách dân tộc, Đề án đề ra giải pháp trọng tâm là:
Xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thẩm tra, tham gia thẩm tra các chương trình, dự án, kế hoạch quan trọng quốc gia có liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc; tăng cường tổ chức hội nghị, hội thảo tham vấn hoặc khảo sát việc thực hiện chính sách dân tộc trước khi Hội đồng Dân tộc tiến hành thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch quan trọng quốc gia có liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Chủ động, phối hợp từ sớm, từ xa với các bộ, ngành, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội để chủ động trong công tác nắm bắt thông tin, phục vụ công tác thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội có liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc.
Hội đồng Dân tộc tin tưởng rằng, việc thông qua Đề án, với các nhiệm vụ, giải pháp cải tiến, đổi mới hoạt động khi được triển khai thực hiện đồng bộ sẽ góp phần tích cực, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của Hội đồng Dân tộc, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, tạo sự chuyển biến căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước theo chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc.
Lần đầu tiên Quốc hội giám sát mang tính tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia
Phóng viên: Thưa Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, năm 2023, Quốc hội sẽ thực hiện giám sát tối cao việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Là Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát, xin Chủ tịch chia sẻ về trọng tâm của cuộc giám sát này?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Như chúng ta đã biết, với tầm quan trọng của các Chương trình mục tiêu quốc gia; qua tổng hợp kiến nghị của cử tri và ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, theo đó Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Kết quả triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021- 2025: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia giàm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.
Trên cơ sở đó, ngày 14/6/2022 Quốc hội đã thành lập Đoàn giám sát với 33 thành viên là các đại biểu đại diện các cơ quan của Quốc hội, một số bộ, ngành và đại biểu đại diện một số địa phương, Đoàn giám sát do đồng chí Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn; đồng chí Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm Phó Trưởng đoàn Thường trực; các đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Ủy ban Kinh tế là Phó trưởng đoàn.
Chiều 29/11/2022, tại Nhà Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Đoàn Giám sát chủ trì Hội nghị triển khai Kế hoạch giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2023 về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho việc giám sát, ngày 24/11/2022 Đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch chi tiết, để xác cụ thể những nội dung trọng tâm, đó là:
Thứ nhất: Đánh giá toàn diện, khách quan việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương đối với 03 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; công tác xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức có liên quan; làm rõ kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân (khách quan, chủ quan) của tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện và sự phối hợp, lồng ghép 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ hai: Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và ý thức chấp hành của các cấp, các ngành, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định trong các Nghị quyết của Quốc hội về 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thứ ba: Qua hoạt động giám sát, Quốc hội xem xét, đánh giá giữa kỳ kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2021-2025 đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là công tác xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để vận hành, tổ chức thực hiện Chương trình.
Thứ tư: Phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền khắc phục tồn tại, hạn chế; điều chỉnh, xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện; đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả tổ chức thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp theo.
Tôi nhận thấy, đây là lần đầu tiên Quốc hội giám sát mang tính tổng hợp cả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và được tiến hành giữa kỳ (giai đoạn 2021-2025), đồng thời phạm vi giám sát rất rộng, liên quan nhiều đối tượng, nhiều luật. Điều này đặt ra những yêu cầu mới đối với nội dung và phương thức tiến hành giám sát, do đó việc chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung là hết sức quan trọng. Tôi cho rằng, việc chuẩn bị từ sớm, từ xa, cùng với việc kịp thời điều chỉnh, khắc phục những hạn chế sẽ góp phần hoàn thiện đồng bộ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật.
Phóng viên: Cử tri và nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể kỳ vọng gì ở cuộc giám sát này, thưa Chủ tịch Hội đồng Dân tộc?
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm: Tôi cho rằng, các Chương trình mục tiêu quốc gia có vai trò trò quan trọng, có ý nghĩa chính trị xã hội và nhân văn sâu sắc, được sự đồng tình và đón nhận của nhân dân đặc biệt là của đồng bào các dân tộc, với một niềm tin tưởng và sự quyết tâm cao, khi Chương trình triển khai thực hiện sẽ hướng tới những mục tiêu toàn diện đó là: khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; giảm nghèo bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia.....; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, các Chương trình triển khai rất chậm, đặc biệt là Chương trình DTTS&MN, đến tháng 10/2022 mới cơ bản hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương. Tôi nhận thấy, việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn và phân bổ vốn của các Chương trình đã ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, không phát huy được hiệu quả vốn đầu tư năm 2021 - 2022; khó hoàn thành các mục tiêu của Chương trình theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Rất nhiều các chương trình chính sách phải dừng thực hiện do đã lồng ghép vào chương trình MTQG dẫn đến làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Theo đó, cử tri và nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi kỳ vọng và mong muốn cuộc giám sát sẽ mang lại một số kết quả tốt đẹp như sau:
- Hoàn thiện, đầy đủ, đồng bộ các văn bản hướng dẫn của trung ương và địa phương để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
- Chương trình được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn, bản khó khăn nhất, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm DTTS khó khăn nhất.
- Chương trình thực hiện bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS.
- Phân quyền, phân cấp mạnh cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện Chương trình MTQG phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng, thế mạnh, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc, các vùng miền gắn với củng cố quốc phòng, an ninh.
- Huy động và đa dạng hóa nguồn lực, trong đó ngân sách nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, ưu tiên phân bổ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong thực hiện Chương trình; huy động, khuyến khích sự tham gia, đóng góp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.
- Các cấp các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong quá trình thực hiện Chương trình. Đặc biệt là có sự tham gia kiểm tra, giám sát của cộng đồng, người dân.
Nhân dịp năm mới Quý Mão 2023, tôi kính chúc cử tri, nhân dân và đồng bào các dân tộc trên mọi miền đất nước dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Hội đồng Dân tộc!
Theo Cổng TTĐT Quốc hội