Tết đến, Xuân về, cùng nhìn lại 1 năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đầy tự hào bởi những kết quả mà cơ quan công tác dân tộc đã đạt được. Những kết quả đó là tiền đề để cơ quan công tác dân tộc bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo với niềm tin và khí thế mới. Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh bên thềm Năm mới.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã quan tâm, dành nhiều cơ chế, nguồn lực đầu tư, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi? Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết những kết quả cơ bản nhất về sự phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi trong những năm gần đây?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh: Trước tháng 6/2021, vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm: 5.266 xã, 548 huyện thuộc 51 tỉnh/thành phố. Đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của gần 14,2 triệu đồng bào của 53 DTTS. Ngày 04/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có 3.434 xã thuộc 51 tỉnh/thành phố. Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Đây là vùng trọng yếu về quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nơi có nhiều tài nguyên khoáng sản, có hệ sinh thái động, thực vật đa dạng; có trên 14 triệu ha rừng, là đầu nguồn sinh thủy, gắn với các công trình thủy điện quốc gia vừa cung cấp điện, vừa cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho vùng hạ du và khu vực đồng bằng.

Trong những năm qua, nhờ có sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự đoàn kết vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc, kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển vượt bậc. Diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi căn bản; đời sống của đồng bào các DTTS từng bước được cải thiện; niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Hiện nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm, tỷ lệ hộ DTTS được sử dụng điện lưới đạt 96.7%; 100% xã có trường tiểu học, THCS; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,5% xã có trạm y tế; 76,7% thôn có nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng…

Từ năm 2016 đến nay, hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 2 - 3%; các xã, thôn đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%; các huyện nghèo giảm 4 - 5%; đã có 22 huyện, 125 xã, 1.298 thôn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Vùng DTTS và miền núi đã có 1.052 xã (chiếm 22,3%) đạt chuẩn nông thôn mới, có 27 huyện ở vùng DTTS và miền núi (chiếm 6%) đạt chuẩn nông thôn mới...

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, hiện nay vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất. Vì vậy, thời gian tới, cần tiếp tục triển khai những chính sách có trọng tâm, trọng điểm; khai thác được tiềm năng, lợi thế, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhìn lại năm 2021, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2026. Thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cùng nhiều khó khăn, thách thức, cơ quan công tác dân tộc đã đạt được những kết quả nổi bật gì, thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh: Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026. Đồng thời tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 và Nghị quyết 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (gọi tắt là Chương trình MTQG) và các nghị quyết, quyết định, chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa thành chương trình hành động và kế hoạch công tác năm 2021.

Năm 2021 cũng là năm kết thúc nhiều chương trình, chính sách dành cho vùng đồng bào DTTS và miền núi và cơ bản các chính sách đã tích hợp vào Chương trình MTQG. Được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác dân tộc đã thu được nhiều kết quả nổi bật. Ủy ban Dân tộc đã xác định những nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm để chỉ đạo quyết liệt; đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo điều hành; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nhằm cải tiến cách thức, lề lối làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. 

Những kết quả nổi bật trong năm 2021 phải kể đến, đó là: Cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức tổng kết chương trình, chính sách giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả những chính sách hiện hành...

Ủy ban Dân tộc đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 Phê duyệt danh sách các xã thuộc khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Quyết định là căn cứ triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn mới.

Trong năm 2021, Ủy ban Dân tộc đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Báo cáo nghiên cứu khả thi và ban hành kế hoạch, phân công nhiệm vụ trong công tác chuẩn bị và triển khai thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Sau nhiều lần được Ủy ban Dân tộc tiếp thu, giải trình và hoàn thiện; trên cơ sở xem xét báo cáo Kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi về Chương trình do Hội đồng thẩm định nhà nước trình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình MTQG giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Quyết định số 1719/QĐ-TTg là một quyết sách lớn, cụ thể hoá chủ trương hết sức đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS. Chương trình được xây dựng trên cơ sở tích hợp các chính sách dành cho đồng bào DTTS nhiều năm qua cùng với những chính sách mới nhưng được thay đổi cơ bản về cách tiếp cận trong phát triển kinh tế - xã hội dành cho địa bàn đặc thù này, đó là chuyển dần từ các chính sách mang tính chất hỗ trợ sang đầu tư phát triển.

Đây chính là giải pháp quan trọng nhất, quyết định việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Kết luận số 65/KL-TW và các mục tiêu, chỉ tiêu đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội. Các nội dung đầu tư được thiết kế để tạo ra những tác động trực tiếp để các địa phương đạt được mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, phấn đấu đạt được mục tiêu chung là đến năm 2025, nâng mức thu thập bình quân của người DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025. Quyết định là căn cứ để lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm nguồn ngân sách Nhà nước của Chương trình MTQG cho các cấp, các ngành và đơn vị sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.

Xác định, công tác phối hợp là một trong những yếu tố cốt lõi làm nên thành công trong công tác dân tộc, vì vậy cơ quan công tác dân tộc đã đổi mới tư duy, phương thức trong công tác phối hợp. Trong năm 2021, triển khai nhiều chương trình phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và nhiều chương trình làm việc với các địa phương nhằm thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc…

Bên cạnh đó, năm 2021 là năm đại dịch Covid-19 tác động lớn đến đời sống đồng bào DTTS. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tính đến hết năm 2021, các tỉnh, thành phố vùng đồng bào DTTS có trên 845 nghìn ca mắc Covid-19. Trong đó có trên 17 nghìn ca mắc Covid-19 là người DTTS. Trước diễn biến phức tạp, khó lường, tác động của đại dịch Covid-19, quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo phòng, chống dịch của Chính phủ, Ủy ban Dân tộc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của các vụ, đơn vị và cơ quan công tác dân tộc các địa phương tập trung phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với đặc thù vùng đồng bào DTTS và miền núi; kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai các gói cứu trợ của Nhà nước đến những người bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 ở vùng đồng bào DTTS; đề xuất chính sách đặc thù, không để đồng bào bị thiếu đói do bị ảnh hưởng dịch bệnh…

Cơ quan công tác dân tộc cũng đã thông tin, tham mưu, đề xuất giải pháp xử lý kịp thời các vụ việc phát sinh trong lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là tình hình thiệt hại do thiên tai, đói giáp hạt, các điểm nóng về an ninh trật tự...Qua đó, tình hình kinh tế, đời sống đồng bào DTTS được ổn định.

Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2021, hệ thống cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và những năm tiếp theo với niềm tin và khí thế mới. Xin Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết một số nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để triển khai thực hiện công tác dân tộc đạt hiệu quả trong năm 2022 và những năm tiếp theo?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh: Chiến lược công tác dân tộc trong giai đoạn mới gắn với phương hướng, nhiệm vụ được đề ra trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giải pháp thực hiện chính sách dân tộc cũng được thể hiện rõ trong các các quan điểm, đường lối của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan công tác dân tộc trong năm 2022 và giai đoạn tới là triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tổng thể và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là Chương trình lớn, bao phủ rộng khắp mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Chương trình MTQG được kỳ vọng sẽ phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế trong công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn vừa qua. Đồng thời là giải pháp quan trọng nhất để đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Điều đó cho thấy, vai trò, vị thế của cơ quan công tác dân tộc ngày càng được khẳng định. Nhưng đây cũng là trọng trách lớn, nhiệm vụ hết sức nặng nề... Đòi hỏi cơ quan công tác dân tộc phải có quyết tâm rất cao, phương pháp thực hiện cụ thể, quyết liệt, năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến khó lường trên phạm vi toàn cầu, trong khu vực, cũng như ở nước ta; vùng đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục hứng chịu những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai và những khó khăn nội tại chưa được giải quyết trong nhiều năm qua. Với nhiệm vụ lớn, thách thức nhiều, toàn hệ thống cơ quan công tác dân tộc phải đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó; phát huy dân chủ tối đa; phối hợp chặt chẽ. Hệ thống cơ quan công tác dân tộc cần quán triệt và thực hiện tốt 5 yêu cầu này. Đây là những yếu tố cốt lõi về mặt tư tưởng chỉ đạo để cơ quan công tác dân tộc thực hiện nhiệm vụ, cũng là bài toán để tháo gỡ khó khăn, tồn tại trong thời gian qua….

Đồng thời, rà soát, điều chỉnh lại toàn bộ hệ thống các quy chế, quy trình đã ban hành để phù hợp với các nghị quyết mới, các quy định mới, thực hiện các yêu cầu đổi mới về mặt thể chế.

Bên cạnh đó, yếu tố con người cần phải đổi mới. Trong điều kiện bộ máy không thay đổi nên cần đổi mới tư duy, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với cán bộ, phải đổi mới phương pháp tham mưu, tự học hỏi, nâng cao trình độ; cập nhật các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Nếu không có bộ máy tốt, ý thức tốt, trình độ tốt, cơ chế tốt và phối hợp tốt thì sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. 

Có thể nói, trong giai đoạn này, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với vùng đồng bào DTTS đã khá đầy đủ, vấn đề còn lại là ở việc thực thi. Do đó, cơ quan công tác dân tộc quan tâm nhất là triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đảm bảo đúng đối tượng, đúng địa bàn, chính xác và khách quan. Đặc biệt là phải tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, lấy ý kiến đồng thuận từ tập thể lãnh đạo, từ địa phương, bộ, ngành và người dân. Chỉ khi có sự đồng thuận, chính sách mới có thể đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả cao.

Nhân dịp năm mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhắn gửi điều gì tới hệ thống cơ quan công tác dân tộc các cấp?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh: Trong hệ thống quan điểm hướng đến đồng bào các dân tộc mà Bác Hồ đã căn dặn, có hai điều quan trọng nhất mà chúng ta không được phép quên, đó là: Đoàn kết các dân tộc và nâng cao thực chất đời sống của đồng bào. Vì vậy, đầu tư phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư phát triển bền vững đất nước, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, là yếu tố nền tảng để đảm bảo đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cơ quan công tác dân tộc bước vào thực hiện nhiệm vụ trong năm mới với nhiều nhiệm vụ quan trọng trong tâm thế mới, quyết tâm cao. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác dân tộc cần xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ và bổ sung cho nhau. Trách nhiệm của chúng ta là trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và trước Nhân dân. Phải có đức tính hy sinh, xây dựng tinh thần phụng sự và cống hiến với một tấm lòng vì đồng bào.

Bước sang giai đoạn mới, thực hiện chính sách dân tộc có những thời cơ, vận hội mới, song cũng còn nhiều thách thức đan xen. Vì vậy, cần có quyết tâm cao, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, vươn lên của đồng bào DTTS. Đó là động lực mạnh mẽ để chúng ta vững tin, quyết tâm triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trong giai đoạn mới, mở ra bước phát triển cao hơn cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm!  

Theo Báo Dân tộc