Bỏ theo dõi (Unfollow, Unsubscribe), Huỷ kết bạn (unfriend), Xoá (Delete, trash, clear). Không có gì tuyệt vời hơn khi bạn có thể gỡ bỏ hết những thông tin, dữ liệu gây phiền hà trên các trang mạng xã hội như Twitter, Facebook và Instagram hiển thị cho bạn để quay trở về trạng thái như lúc mới đăng ký tài khoản. Sau hàng năm trời sử dụng các mạng xã hội như Twitter, đôi khi cách tốt nhất để "đánh bay" những dữ liệu mà bạn không muốn nhìn thấy hiển thị trên bảng tin của mình là bắt đầu lại từ con số không.
Việc bắt đầu lại từ đầu trên các mạng xã hội rất hữu ích cho người dùng từ nhiều phương diện như quyền riêng tư, bảo mật và thậm chí còn đem lại cả… sự lành mạnh nữa.
Ở thời điểm 10 hay 15 năm trước đây, khi người dùng bắt đầu có thể đăng kí tài khoản trên các nền tảng này, họ khó lòng có thể nhận ra hết những tác động của việc dành ra hàng năm trời (và sắp tới đây sẽ là hàng thập kỷ) "cung cấp" các thông tin cá nhân chi tiết của mình cho các trang mạng xã hội một cách vĩnh viễn và được ghi lại công khai trên các phương tiện kĩ thuật số, phơi bày bản sắc cá nhân của mình với các nhà quảng cáo và các hệ thống theo dõi nằm đầy rẫy trên mạng Internet – những thế lực luôn muốn sử dụng dữ liệu về bạn để định hình cách thức bạn mua sắm, suy nghĩ, phát ngôn hay thậm chí là cả… bầu cử.
Thử nghĩ về khái niệm "tính linh động của dữ liệu", ý tưởng về việc bạn có thể tải xuống tất cả những dữ liệu của mình được lưu trữ trên một nền tảng nào đó và di chuyển chúng sang chỗ khác. Cả Google, Facebook và Twitter đều cho phép bạn tải xuống các tập tin nén chứa tất cả những dữ liệu bạn đã tạo ra, đăng tải trên nền tảng của họ, trong trường hợp bạn muốn di chuyển chúng đi chỗ khác.
Các công ty này cũng cần phải cho phép người dùng xoá bỏ tất cả những dữ liệu mà họ đã tạo ra trên nền tảng của mình mà không cần phải thực sự xoá hẳn tài khoản.
Tuỳ chọn duy nhất để xoá bỏ dữ liệu của bạn trên hai mạng xã hội Twitter và Facebook là phải xoá hẳn cả tài khoản, một quyết định khiến những người vừa muốn sử dụng mạng xã hội, vừa không muốn rao bán quyền riêng tư cá nhân thông qua việc lưu trữ mọi dữ liệu về bản thân vĩnh viễn trên Internet, phải lưỡng lự.
Điều này cũng tạo ra những vấn đề về bảo mật. Do không có cách nào để dễ dàng xoá bỏ tất cả dữ liệu cá nhân của bạn khỏi các nền tảng này, nên điều đó có thể dẫn tới hai khả năng. Một, bạn phải dành hàng giờ đồng hồ nhấn nút "xoá" liên tục, một hành động dễ gây mệt mỏi và chán nản. Hoặc bạn có thể đăng ký các dịch vụ xoá dữ liệu của bên thứ ba như TweetDelete hay chạy các đoạn mã ngẫu nhiên mà bạn tìm được trên Internet, cung cấp cho chúng quyền truy cập tối đa vào các tài khoản quan trọng của bạn, và hy vọng rằng không có điều gì không hay xảy ra. Đây là một trong những rủi ro mà người dùng không đáng phải gánh chịu, nhưng bởi vì các công ty công nghệ không chịu cung cấp cho chúng ta một nút "delete" thực sự.
Bất kể hành vi thu thập dữ liệu người dùng nào của các công ty công nghệ đều nên đi kèm với một nút "xoá" đơn giản, dễ dùng. Nhưng không, có lẽ bởi vì nếu người dùng được phép xoá dữ liệu, thì các công ty lấy gì ra để kiếm tiền được nữa? Và cũng chính vì vậy, người dùng chúng ta có thể mãi mãi không bao giờ đòi hỏi được đầy đủ quyền lợi. Chẳng hạn, dịch vụ thư điện tử Gmail của Google liên tục theo dõi lịch sử mua hàng của bạn và khiến cho người dùng phải rất vất vả (mặc dù không phải là không thể, về mặt kỹ thuật) để có thể xoá hết chúng. Cách duy nhất bạn có thể làm là phải xoá thủ công hàng năm trời lịch sử giao dịch hoặc xoá trắng hết toàn bộ email trong hộp thư của bạn. Trong số các hãng Google, Facebook và Twitter, Google có vẻ như là công ty nghiêm túc nhất trong việc cung cấp cho người dùng những công cụ xoá dữ liệu, nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ.
Chẳng hạn, một trong những điều mà ngay cả những người chỉ trích nhiều nhất các chính sách về quyền riêng tư của Facebook cũng ngại làm, đó là xoá hẳn tài khoản mạng xã hội của mình. Đó là việc mà đa số mọi người không muốn (và thậm chí không thể làm được) bởi đôi khi Facebook là cách thức hiệu quả nhất mà chúng ta có thể sử dụng để liên hệ với những người bạn, người thân trong gia đình, hàng xóm hay đồng nghiệp… Đối với những người này, việc đấu tranh để có một Facebook tốt hơn, một Facebook cho phép người dùng kiểm soát toàn bộ dữ liệu của họ, là một cách làm thực tế hơn so với việc "rủ nhau" từ bỏ nền tảng mạng xã hội này.
Công cụ xoá hàng loạt cũng giúp mang tới cho người dùng một không gian mạng lành mạnh hơn. Sau vài năm trời sử dụng các mạng xã hội, kết bạn/ theo dõi hàng tá người nổi tiếng và các loại tài khoản khác nhau có thể khiến cho bảng tin của bạn ngập trong "rác" – các nội dung nhảm nhí mà bạn không muốn đọc hoặc không hứng thú – những thứ mà thuật toán của các mạng xã hội cho rằng bạn muốn thấy và hiển thị liên tục trước mắt bạn, trong khi thực tế là bạn không hề như vậy.
Có một "áp lực xã hội" kì lạ và thường không được nhắc đến ở đây: nhiều người trong số chúng ta cho rằng việc bỏ theo dõi hoặc huỷ kết bạn với một ai đó có thể khiến họ phật lòng. Khả năng chúng ta "đẩy" nhầm một ai đó ra khỏi đời sống số của mình có thể dẫn tới việc bản thân chúng ta phải muối mặt đi nói lời xin lỗi. Và để tránh khả năng này, nhiều người chỉ đơn giản chọn cách không bao giờ nhấn nút huỷ kết bạn/ huỷ theo dõi với bất kể một ai ngay từ đầu!
Nhưng bạn không cần phải xin lỗi bất kỳ ai nếu muốn "bắt đầu lại từ đầu" với các trang mạng xã hội. Sẽ là một thói quen tốt nếu chúng ta định kì dọn nhà mình vì nhiều lý do khác nhau. Điều tương tự cũng đúng với "ngôi nhà kĩ thuật số" của mình – những trang mạng xã hội.
Và điều quan trọng nhất là, bạn không bao giờ phải cảm thấy có lỗi với các công ty công nghệ vì đã đòi hỏi thêm một chút quyền riêng tư, bảo mật và sự kiểm soát đối với dữ liệu cá nhân của chính mình!
Quang Huy