Việc xác nhận khai báo hóa chất đã làm cho các DN tốn 50.000-150.000 ngày làm việc/năm và khoản chi phí 10 tỷ đồng. Theo Bộ KH-ĐT, doanh nghiệp vẫn đang khổ sở, tốn thời gian và chi phí cho đủ loại giấy phép.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP năm 2016 cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng 2020.
Tại báo cáo này, Bộ KH-ĐT đã dẫn một loạt các quy định, giấy phép khiến DN tốn thời gian và chi phí.
Chẳng hạn, với yêu cầu DN phải “Xác nhận khai báo hóa chất” của Bộ Công Thương, Bộ KH-ĐT cho rằng quy định này là trái với Luật Hoá chất 2007 vì luật chỉ quy định DN phải khai báo, Bộ Công Thương quy định biểu mẫu khai báo, không có quy định yêu cầu phải có xác nhận khai báo đó của DN.
(ảnh minh họa) |
Dẫn một khảo sát năm 2015 của Dự án GIG (USAID), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay mỗi năm Cục Hoá chất (Bộ Công Thương) cấp khoảng trên 50.000 Giấy xác nhận khai báo hóa chất, mất thời gian 1-3 ngày/lô hàng. Như vậy, việc xác nhận khai báo hóa chất theo quy định hiện hành đã làm cho DN tốn mất 50.000 đến 150.000 ngày làm việc/năm và khoản chi phí chính thức là khoảng 10 tỷ đồng.
Tiếp tục nhắc đến quy định về kiểm tra formaldehyt đối với sản phẩm dệt may theo Thông tư 37/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, ý kiến của Hiệp hội dệt may và một số DN nói thông tư này “chưa thực sự tạo thuận lợi, mà trái lại còn gây khó khăn, làm tăng thêm chi phí cho DN”.
Ví dụ trong tháng 3 và tháng 4/2016, có DN dệt may nhập khẩu 96 hàng mẫu, với trọng lượng và giá trị là rất nhỏ. Có hàng mẫu (vải) chỉ 5-10m với giá trị chỉ khoảng 100.000 - 200.000 đồng, nhưng phí kiểm tra formaldehyt mà DN phải trả là 2 triệu đồng, cao gấp 10-20 lẩn giá trị hàng mẫu.
“7 năm qua, DN phải trả hàng trăm tỉ đồng chi phí cho việc kiểm tra formaldehyt, thời gian thông quan hàng hoá bị kéo dài”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.
Thủ tục kiểm dịch bông nhập khẩu của Bộ NN-PTNT cũng bị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho là đang gây khó khăn cho các DN. Với mức chi phí kiểm dịch là 1 triệu đồng/container thì tổng chi phí kiểm dịch thực vật lên đến 17-18 tỷ đồng/năm.
Thủ tục cấp phép xây dựng của nước ta không có sự cải thiện, và thời gian cấp phép xây dựng kéo dài thêm 52 ngày, tăng lên 166 ngày, kéo dài nhất trong các thành viên ASEAN.
Nhận xét chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng gần 3 năm thực thi, Nghị quyết 19 đã đạt được một số kết quả về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy vậy, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa Nghị quyết và thực thi Nghị quyết. Trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản, gây trở ngại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, nhất là những quy định về điều kiện kinh doanh, quản lý chuyên ngành.
Dù vậy, DN đang ngày càng tin tưởng và kỳ vọng nhiều vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và của nền kinh tế.
“Đồng thời, DN cũng mong muốn Văn phòng Chính phủ sớm mở diễn đàn tiếp nhận ý kiến DN để họ có cơ hội đóng góp các ý kiến phản biện chính sách cũng như phản ánh các vấn đề vướng mắc, khó khăn của DN”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Lương Bằng