- Thuốc lá lậu đã tăng lên 30-40% trong năm 2014 với diễn biến ngày càng phức tạp, xuất hiện tràn lan khắp các tỉnh trên cả nước. Năm 2014, ước ngân sách có thể tiếp tục thất thu tới 8000 tỷ đồng, mất thêm 1.500 tỷ vào tay các tay buôn thuốc lá lậu.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai công tác năm và kết quả của Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương hôm 14/1, tình hình chống buôn lậu thuốc lá được nhắc đến như một điểm nóng phức tạp.

Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, trong khi sản lượng sản xuất thuốc lá trong nước giảm do các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong năm 2014 thì tiêu dùng thuốc lá lại không giảm. Thay vào đó, lượng thuốc lá nhập lậu tăng đột biến cả về số lượng, chủng loại và địa bàn.

Nếu năm 2013, thuốc lá lậu chiếm tới 20,7% thị phần, tương ứng 21,9 tỷ điếu thì năm 2014, thị phần này tăng tiếp lên 30-40%. Trước đây, thuốc lá lậu chủ yếu xuất hiện ở các tỉnh Tây Nam Bộ, Tp HCM thì nay đã xuất hiện tràn lan hầu khắp các tỉnh trên phạm vi cả nước.

Về chủng loại nhãn mác, thuốc lá lậu ngày càng xuất hiện nhiều. Trước đây chỉ có thuốc lá lậu Hero, Jet giá khoảng 14.000-18.000 đồng/báo thì vừa qua, đã có thêm các loại chất lượng kém và giá rẻ như League, Luxury, Cambo, Ram, Rainson, Mine, Gem giá từ 2.700- 4.000 đồng/bao. Thuốc đắt hơn cũng chỉ 9.000-9.500 đồng/bao với các nhãn hiệu Golden Deer, Pin, Jun, Elecphant...

Theo Hiệp hội này, năm 2013, thuốc lá lậu gây thất thu ngân sách tới 6.500 tỷ đồng và ước con số này tăng lên 8.000 tỷ đồng vào năm 2014. Hiện, Việt Nam đang trở thành thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu hàng đầu trong 14 quốc gia châu Á.

{keywords}

Thuốc lá lậu ngày càng phức tạp, gây khó khăn cho sản xuất trong nước, thất thu ngân sách

Vì siêu lợi nhuận nên chính môi trường pháp lý nghiêm ngặt đối với ngành sản xuất thuốc lá trong nước vô tình gián tiếp tạo điều kiện cho thuốc lá lậu phát triển nhanh.

Hiệp hội đã cảnh báo, vì không phải chịu thuế, không phải in cảnh báo và không bị kiểm soát về hàm lượng Tar, Nicontine nên thuốc lạ lậu vừa rẻ hơn thuốc lá hợp pháp trong nước, vừa gây nguy hại cho người tiêu dùng. Đáng chú ý, theo kết quả phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá thì một số độc tố ấm sử dụng và hàm lượng Tar, Nicontine cao, vượt mức cho phép đã được phát hiện trong 2 loại thuốc lá lậu phổ biến hiện nay là Jet và Hero.

Nhưng vì vẫn rất nhiều người tiêu dùng sử dụng thuốc lá lậu vì giá rẻ, nên đã khiến cho sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước khó khăn, làm giảm 20% sản lượng tiêu thụ, mất 30% thị phần.

Tại hội nghị, Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, sau Chỉ thị 30 của Thủ tướng ngày 30/9/2014, lực lượng toàn ngành đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại (Ban chỉ đạo 389), tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá trên địa bàn trọng điểm như Quảng Trị, Tây Ninh, Đồng Tháp, Long An, An Giang, Kiên Giang và các tỉnh biên giới phía Bắc. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam khi đã hỗ trợ tới 43,5 tỷ đồng cho công tác này.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cho biết, tình trạng buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng với các thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trên cả ba tuyến biên giới như Việt -Trung, Việt-Lào, Việt Nam-Campuchia.

Các đối tượng tham gia vận chuyển đề là cư dân biên giới, thông thạo địa bàn, sử dụng xe máy, guồng chạy tốc độ cao, tuồn hàng vào nội địa qua các lối mòn, kênh rạch, đồng ruộng với số lượng nhỏ lẻ, dưới 1.500 gói. Thủ đoạn này nhằm để tránh mức truy cứu trách nhiệm hình sự khi bị bắt. Đồng thời, số vụ vắng chủ cũng gia tăng, các đối tượng bỏ tang vật, không thừa nhận hàng của mình.

Năm 2014, theo thống kê của Ban chỉ đạo 389, các ngành chức năng đã bắt giữ hơn 8,6 triệu bao thuốc lá. Trong đó, lực lượng công an bắt giữ 4,7 triệu bao, biên phòng bắt giữ 1,6 triệu bao, quản lý thị trường bắt 1,2 triệu bao, cảnh sát biển bắt giữ hơn 242 ngàn bao.

Thực hiện chỉ thị 30 của Thủ tướng kể từ tháng 10/2014, các lực lượng chức năng đã bắt giữ số lượng lớn bao thuốc lá tại các địa bàn nóng như Tp HCM là hơn 494 ngàn bao, An Giang hơn 1,2 triệu bao, Quảng Trị hơn 512 ngàn bao, Đồng Tháp hơn 298 ngàn bao.

Để tăng hiệu quả công tác chống buôn lậu thuốc lá năm 2015, Cục Quản lý thị trường và Hiệp hội thuốc lá đang đề xuất lên Chính phủ tăng mức hỗ trợ kinh phí thuốc lá lậu lên 3.500 đồng/bao, không phân biệt giá thuốc, tăng thêm 2.400 đồng/bao với quy định hiện nay, đồng thời chi phí tiêu huỷ là 500 đồng/bao. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Bộ Công Thương dừng hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đối với thuốc lá ngoại, ngăn ngừa tình trạng thẩm lậu về nội địa vừa qua.

Phạm Huyền