Trần Hùng sinh năm 1992 ở Đống Đa, Hà Nội. Hùng làm marketing cho một doanh nghiệp tư nhân nước ngoài, lương 20 triệu/ tháng. Tuy nhiên, tháng 4/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, công ty Hùng làm tuyên bố đóng cửa, bồi thường cho mỗi nhân viên 3 tháng lương thực lĩnh. Tính ra, Hùng nhận về 60 triệu đồng.
Cậu cho hay, do ảnh hường của dịch bệnh, để xin được một công việc đúng như mong muốn không phải là dễ nên chàng trai này quyết định làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp.
“Trong cái rủi vẫn có cái may, công ty mình đóng bảo hiểm theo lương cho nhân viên nên sau khi nghỉ việc, mình làm hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổng cộng, mình được hưởng 8 tháng phụ cấp thất nghiệp, với mức trợ cấp 60% tháng lương đóng bảo hiểm, tương đương với 12 triệu đồng/tháng. Khoản tiền trợ cấp này mình nhận theo từng tháng chứ không được nhận một cục”, Hùng kể.
Nghỉ việc với 3 tháng lương, thanh niên văn phòng về bán bún chả lãi bất ngờ (ảnh minh họa) |
Với số tiền trợ cấp thất nghiệp được nhận, cộng với 3 tháng lương thỏa thuận nghỉ việc Hùng quyết định đứng ra kinh doanh riêng.
Hùng kể, chị gái cậu làm bún chả rất ngon. Ngày còn đi làm, thi thoảng Hùng được chị mình làm cho một suất bún mang đi ăn trưa, đồng nghiệp ăn thử thấy ngon. Họ thường xuyên nhờ Hùng đặt chị gái món bún chả. Từ đó, cậu nảy ra ý tưởng mở cửa hàng bún chả bán. Sau khi tính toán, cân nhắc, Hùng rủ chị gái thuê mặt bằng mở cửa hàng bún chả.
“Không chần chừ, chị gái đồng ý làm cùng. Hai chị em bắt tay tiến hành luôn. Mình tìm thuê một cửa hàng rộng 20m2 vuông nằm trên một tuyến phố nhỏ nhưng khá đông người qua lại và tập trung nhiều công ty, văn phòng. Bỏ ra 50 triệu sửa chữa, mua sắm bàn ghế coi như hết nguyên 3 tháng lương nhận khi nghỉ việc. Nhân lực tạm thời chỉ có hai chị em mình và mẹ”, chàng trai này chia sẻ.
Thời gian đầu mới mở, quán chưa có nhiều khách, Hùng tích cực đăng bài chào bán trên trang cá nhân. Hùng tranh thủ tận dụng mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp cũ nhờ họ chia sẻ, quảng cáo hộ. Những ai ở chung cư, Hùng sẽ nhờ họ giới thiệu với cư dân trong cùng tòa nhà. Cậu cũng tham gia các nhóm chợ mạng, các group ẩm thực để chào hàng, gom đơn.
Hùng bán một suất bún chả giá 35.000 đồng, thêm nem là 40.000 đồng (ảnh minh họa) |
“Tháng đầu mình bán online nhiều, chủ yếu là khách quen và khách do bạn bè giới thiệu. Cửa hàng mới, khách trực tiếp tới ăn còn ít, hai chị em mình phải tranh thủ đi phát từ rơi, dần dần cũng kéo được khách về. Trừ mọi chi phí, hai chị em thu về được 15 triệu”, Hùng cho hay.
Hùng cho biết, tuy doanh thu tháng đầu tiên ít nhưng nhờ có tiền trợ cấp thất nghiệp nên tài chính cũng không quá khó khăn. Sang tháng thứ hai, lượt khách tới ăn tại quán cũng như đặt mua online bắt đầu đông, đều hơn. Hùng thuê thêm một nhân viên nữa với mức lương 4 triệu một tháng.
Cậu bán một suất bún chả đầy đủ giá 35.000 đồng, thêm nem là 40.000 đồng. Ngoài ra, Hùng với chị gái còn làm nước ép hoa quả, sữa hạt bán kèm tại cửa hàng. Tùy loại hoa quả, giá trung bình dao động từ 10.000-20.000 đồng/chai. Doanh thu tháng thứ hai tăng lên, dần dần đạt ở mức ổn định 25-30 triệu đồng/tháng.
“Do mở quán vào lúc dịch bệnh, có thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, cấm mở bán, chị em mình lại quay sang tăng cường bán online cả bún chả lẫn nước ép hoa quả, các loại sữa hạt. Đặc biệt, hè mình đầu tư thêm máy ép nước mía về bán, đẩy doanh thu những tháng hè lên 35 triệu đồng. Có tháng cao điểm, hai chị em mình thu về 40 triệu đồng”, Hùng kể.
Hùng cho hay, đợi hết dịch, nếu tìm được một công việc đúng như mong muốn với mức thu nhập tốt, cậu sẽ đi làm lại. Tuy nhiên, Hùng vẫn tiếp tục duy trì kinh doanh quán bún chả cùng chị gái mình để tăng nguồn thu nhập.
Thu Giang
Hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, gần 13 triệu người gặp khó vì đại dịch
Trong quý II và 6 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19.