Ưu việt của thanh toán qua thẻ
Bà Phan Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Trung tâm thẻ của Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển BIDV cho biết hiện BIDV là 1 trong Big 4, 4 ngân hàng có mạng lưới chấp nhận thanh toán lớn nhất thị trường. Chính sách của BIDV tương đối mở, các doanh nghiệp hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh sẽ được đăng ký dịch vụ chấp nhận thanh toán. Thực tế nếu không mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán sẽ không có “đất” để quẹt thẻ.
“BIDV cung cấp dịch vụ chấp nhận thanh toán thông qua quy mô, tính năng dưới các hình thức như POS, QR Code, tích hợp sâu… phù hợp với từng đối tượng. Hiện nay, dù có nhiều tiềm năng nhưng các ngân hàng cũng gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai. Chi phí để đầu tư máy POS rất cao, trung bình lên đến 7 – 8 triệu đồng. Không phải ngân hàng nào cũng đủ chi phí để đầu tư miễn phí cho toàn bộ khách hàng. Ngoài ra, không phải đơn vị thanh toán nào cũng chấp nhận trả phí. Đồng thời, sự cạnh tranh của các ngân hàng ở các trung tâm thương mại rất cao”, bà Nhàn cho hay.
Bà Phan Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Thẻ Agribank cho biết sản phẩm thẻ Lộc Việt của Agribank có nhiều ưu đãi rất là vượt bậc so với sản phẩm thẻ quốc tế mà chúng tôi phát hành cho khách hàng.
Thời gian ân hạn là 55 ngày. Tức là khách hàng nếu sử dụng để thanh toán hàng hoá dịch vụ, mà khách hàng thanh toán trước đó thì khách hàng không phải trả bất kỳ khoản lãi nào. Sau 55 ngày đó nếu khách hàng chưa thanh toán hoặc mới chỉ thanh toán một phần thì khi đó lãi mới tính trên phần dư nợ còn lại, tính từ ngày khách hàng mua hàng.
Hiện nay toàn bộ phí phát hành và phí thường niên ngân hàng chúng tôi hoàn toàn miễn vì hiện khách hàng mục tiêu của Agribank là đối tượng khách hàng yếu thế (khách hàng ở địa bàn nông nghiệp - nông thôn, đối tượng khách hàng được trả lương, học sinh sinh viên và khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán tiền điện).
Ngân hàng thúc đẩy mở rộng điểm chấp nhận thẻ
Mở rộng mạng lưới chấp nhận thanh toán cần có chiến lược lâu dài vì đầu tư chi phí, con người, hệ thống rất lớn. Gần như các ngân hàng hoạt động không hiệu quả ở mảng này trong thời gian dài do thị trường thanh toán thẻ ở Việt Nam vẫn chưa phát triển hiệu quả như mong đợi.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Tổng giám đốc Sacombank cho biết điểm chấp nhận thanh toán là điểm cuối cùng kết nối phương tiện thanh toán và nhu cầu tiêu dùng. Sacombank rất quan tâm đến chấp nhận thanh toán qua POS.
“Từ năm 2004, Sacombank đã phát triển hệ thống thanh toán qua POS. Năm 2008, Sacombank đã phát triển cổng thanh toán để giao dịch thanh toán online. Sacombank phát triển hơn 195.000 máy POS, chiếm hơn 45% thị phần. Đối tác giao dịch điện tử của Sacombank chủ yếu kết nối với khoảng 165 công ty Fintech, trang thương mại điện tử, cổng thanh toán về y tế, trường học…
Doanh số thanh toán trung bình hiện nay của Sacombank đạt 500 tỉ đồng/ngày. Số lượng giao dịch đạt 3.000 giao dịch/phút. Những con số này cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn. Cần có sự đồng hành của nhiều thành phần trong hệ sinh thái, vì vậy Sacombank kết nối, đồng hành ngay từ khi các công ty Fintech thành lập. Đồng hành, thấu hiểu nhau là những yếu tố Sacombank xác định từ đầu khi cùng nhau hợp tác. Bên cạnh đó, Sacombank đưa ra mức giá phù hợp linh hoạt với các đối tượng” – ông Tâm nói.
Ông Nguyễn Minh Tâm cho biết Sacombank rất quan tâm phát triển tính năng trên POS. Ngoài ra, Sacombank cũng quan tâm đến những yêu cầu về bảo mật, cam kết thanh toán ở mức an toàn nhất. Trong tương lai Sacombank tiếp tục phát triển đến các điểm từ hệ thống phòng giao dịch và mở rộng thêm các dịch vụ tiện ích cho người dùng trên máy POS.
Hiện nay có sự bất đối xứng khi số lượng máy POS phục vụ có tỉ lệ thấp so với người dân. Thị trường Việt Nam nhận được sự quan tâm của các công ty quốc tế. Chính vì vậy, cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý góp phần phát triển thanh toán thông qua các điểm tiếp nhận.