Hội chợ OCOP (One Commune, One Product - chương trình mang tên “mỗi xã, phường một sản phẩm”) Quảng Ninh - Hè 2022 được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh, Sở Công Thương, Ban chỉ đạo OCOP tỉnh và một số đơn vị tổ chức từ ngày 28/4 đến 3/5.
Hội chợ nhằm định hướng phát triển thị trường dịch vụ để nông sản, sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân và khách du lịch của tỉnh. Đây là hoạt động thường niên trong chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của tỉnh Quảng Ninh đã được tổ chức thành công nhiều năm qua.
Hội chợ năm nay có quy mô 227 gian hàng quảng bá, giới thiệu và bán trên 1.250 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, OCOP của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã. |
Hội chợ năm nay có quy mô 227 gian hàng quảng bá, giới thiệu và bán trên 1.250 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, OCOP của hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc 42 tỉnh, thành phố trong nước; 10 gian hàng giới thiệu, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử ở khuôn viên bên trong Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh.
Riêng với mảng thương mại điện tử và các giải pháp số, hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022 có sự tham gia của các sàn thương mại điện tử như Vỏ Sò, Postmart, Lazada, Tiki …; các đơn vị cung cấp giải pháp số cho doanh nghiệp như tài chính số, thanh toán không dùng tiền mặt hay truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm gồm VPBank, Visa, Icheck…
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, tại hội chợ, cơ quan này cùng Sở Công Thương Quảng Ninh phối hợp tổ chức “Hội nghị kết nối, hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tham gia hoạt động thương mại điện tử tại Quảng Ninh.
Hội nghị sẽ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong phạm vi cả nước thông qua thương mại điện tử; là hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.
“Đây là một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ hội chợ, đồng thời là nơi để các doanh nghiệp Quảng Ninh cũng như doanh nghiệp các tỉnh, thành phố tiếp cận với phương thức phân phối hiện đại, phương thức thanh toán và logistics hiện đại khi ứng dụng các giải pháp công nghệ số để tăng cường hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp mình. Các sàn thương mại điện tử cũng như đối tác sẽ giới thiệu các giải pháp, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp địa phương trong việc thúc đẩy bán hàng trên thương mại điện tử và ứng dụng các giải pháp tài chính số”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số nhấn mạnh.
Thông tin từ Ban tổ chức cho hay, tại hội chợ, sàn thương mại điện tử Lazada sẽ có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm OCOP khi đăng ký bán hàng trên Lazada có thể được hỗ trợ thông qua các chương trình dành riêng cho nhà bán hàng mới với nhiều ưu đãi hấp dẫn; hỗ trợ chuyên biệt miễn phí trong 90 ngày đầu cùng các khóa huấn luyện kỹ năng kinh doanh trực tuyến và chương trình khuyến mãi thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Góp mặt tại hội chợ, đại diện sàn thương mại điện tử Tiki sẽ có những chia sẻ về định hướng thực hiện nhiều chiến dịch giúp nhà bán hàng gia tăng doanh số, đẩy mạnh phát triển công nghệ trong quy trình kho bãi và giao nhận hàng hóa nhằm tối ưu trải nghiệm bán hàng và mua hàng.
Với mong muốn mở rộng và kết nối mạnh mẽ hơn tới các doanh nghiệp thương mại - dịch vụ tại hội chợ, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò thuộc sở hữu của Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) sẽ giới thiệu về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phân phối sản phẩm trên sàn Voso.vn và các phương án tối ưu hóa logistics trong thương mại điện tử.
Năm 2022 là năm nền tảng quan trọng của chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025, do đó Quảng Ninh sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của tỉnh qua các hình thức bán hàng cả phương thức truyền thống và qua các sàn thương mại điện tử Tiki, Vỏ Sò, Lazada, Sendo, Postmart.vn, Shopee...
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai có hiệu quả OCOP gắn với phát triển du lịch, dịch vụ; hướng việc sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung theo chuỗi giá trị; xây dựng nhãn hiệu, bảo đảm quy mô, tính chuyên nghiệp để khẳng định thương hiệu của sản phẩm Việt.
Dự kiến trong năm 2022, Quảng Ninh sẽ phát triển mới ít nhất trên 50 sản phẩm; đánh giá phân hạng thêm từ 70 - 100 sản phẩm đạt từ 3 sao đến 4 sao, phấn đấu có 2 - 4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia; phát triển mới ít nhất 15 đơn vị kinh tế tham gia chương trình.
Vân Anh
Thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn Postmart, Vỏ Sò trong năm 2022
Một trong những mục tiêu của kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn năm 2022 là thiết lập 10 triệu tài khoản hoạt động trên các sàn Postmart, Vỏ Sò.