Tư vấn cho khách đến đau họng 

Kể từ khi chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc kết thúc vào cuối năm ngoái, nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) Wu Hong bận rộn đến độ không có thời gian giải trí với đồng nghiệp. 

“Bây giờ, tôi dành nhiều thời gian để tư vấn cho khách hàng, đến nỗi tôi thường cảm thấy đau cổ họng,” Wu nói. 

Tuy nhiên, công việc vất vả của Wu không mang lại doanh thu. Dù doanh số bán nhà mới ở TP.Vu Hồ (cách Thượng Hải khoảng 300km) đã tăng 10% trong tháng trước, nhưng vẫn giảm 2/3 so với 1.341 căn nhà được bán vào tháng 1/2022. 

Tốc độ phục hồi chậm ở Vu Hồ cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn trong việc vực dậy thị trường BĐS của Chính phủ Trung Quốc. Tại Vu Hồ vẫn còn nhiều nhà chưa bán được. 

Đại diện một doanh nghiệp có dự án ở Vu Hồ cho biết: “Người mua nhà đã quay trở lại. Nhưng họ thận trọng hơn trong việc đưa ra quyết định vì nghĩ rằng giá nhà sẽ còn giảm hơn nữa”. 

Thị trường ảm đạm, người mua nhà tại Vu Hồ thận trọng hơn khi ra quyết định. (Ảnh: Reuters)

Lĩnh vực BĐS được ước tính chiếm khoảng 30% GDP của Trung Quốc và gắn liền với tài chính của chính quyền địa phương. 

Tuy nhiên, chính sách "ba lằn ranh đỏ” của Chính phủ đã khiến các nhà phát triển bất động sản thiếu tiền mặt, một số vỡ nợ, ngưng xây dự án. Điều này dẫn đến doanh số bán nhà và giá nhà sụt giảm.

Theo Wind, một nhà cung cấp dữ liệu tài chính, doanh số bán nhà mới xây tại 30 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 31% trong năm 2022 và tiếp tục giảm trong tháng trước.

Tại Vu Hồ, một căn hộ trung bình 90m2 có giá khoảng 133.000 USD vào tháng trước, vẫn giảm 1/5 so với một năm trước.

Bo Zhuang, chuyên gia kinh tế tại Loomis Sayles cho biết, ngay cả khi Trung Quốc mở cửa trở lại và nới lỏng giới hạn đòn bẩy tài chính để thúc đẩy tăng trưởng thì “các yếu tố cơ bản của nền kinh tế vẫn quá yếu để hỗ trợ lĩnh vực BĐS”.

Trong bối cảnh đó, các nhà phát triển phải tự tìm hướng đi để phục hồi doanh số bán hàng thay vì tuân theo mức giá sàn do chính phủ quy định. Mức giá sàn này được đưa ra để duy trì nguồn thu của chính quyền địa phương. 

Golden Scale House, một dự án khu dân cư ở ngoại ô Vu Hồ, có chính sách hỗ trợ lên đến 33.776 USD cho khách hàng sau 1 tháng hoàn tất việc mua bán. Đại diện nhà phát triển dự án này cho hay, mức này bằng 20% giá bán một căn hộ 3 phòng ngủ và doanh nghiệp gần như không có lãi. 

Người mua nhà không vội xuống tiền 

Dân số già cũng là nguyên nhân khiến giá nhà tại Vu Hồ giảm. Như nhiều thành phố khác, những năm gần đây, Vu Hồ phải đối mặt với làn sóng người trẻ chuyển đi nơi khác làm việc. 

“Những người tuổi đôi mươi thà thuê một tầng hầm ở Thượng Hải để có tương lai hơn là ở với cha mẹ và làm việc 12 giờ mỗi ngày tại một nhà máy có ít tiềm năng phát triển ở đây”, một quan chức tại Vu Hồ nói.

Tại No 1 Park Avenue, khu dân cư nổi tiếng ở ngoại ô Vu Hồ đã xây xong và bán hết cách đây 7 năm, hơn 10% căn hộ chưa bao giờ có người ở. Các môi giới cho biết, nhiều người đã mua nhà ở đây để đầu tư, chờ tăng giá. 

Với nỗ lực vậy dậy thị trường nhà ở, trong nửa cuối năm 2022, chính quyền Vu Hồ đã công bố hàng loạt chính sách ưu đãi, gồm các khoản trợ cấp lên đến 10% giá trị căn nhà. 

Trong khi đó, người mua nhà lại khá thận trọng. Tìm mua căn hộ 3 phòng ngủ trong ba tháng qua, Li Hiu (30 tuổi), nhân viên văn phòng tại Vu Hồ, cho biết: “Không cần phải vội vàng khi thị trường ảm đạm”. 

Chính quyền Vu Hồ đặt mục tiêu tăng trưởng 20% doanh thu từ đất trong năm 2023. Tuy vậy, các nhà phát triển dự án vẫn rất dè dặt. 

Đại diện một nhà phát triển ở Vu Hồ tiết lộ, công ty không có kế hoạch mở thêm dự án. Sẽ mất nhiều thời gian để khôi phục niềm tin của người mua nhà và “lúc đó vẫn còn xa lắm”. 

Hương Quỳnh (dịch)