Số liệu Tổng điều tra dân số về dân cư và đô thị hóa năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, trải qua 3 thập kỷ, tỷ lệ dân số thành thị của nước ta liên tục tăng.

Sau 30 năm, tỷ lệ dân số thành thị tăng 14,3 điểm phần trăm, từ 20,1% (1989) lên 34,4% (2019). Tốc độ tăng dân số thành thị bình quân năm giai đoạn 2009-2019 chỉ đạt 2,64%/năm, thấp hơn tốc độ tăng dân số thành thị của giai đoạn 1999-2009 (3,4%/năm).

Song, kết quả Tổng điều tra năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam đã không đạt được cả hai mục tiêu về đô thị hoá đến năm 2015 và 2020 theo Chương trình phát triển đô thị quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên khía cạnh về tăng tỷ lệ dân số khu vực thành thị. Cụ thể, mục tiêu về đô thị hoá của Việt Nam giai đoạn 2012-2020 là đến năm 2015, tỷ lệ đô thị hoá của Việt Nam đạt 38%, đến năm 2020 đạt 45%.

{keywords}
Dân số đô thị của nước ta vẫn ở mức rất thấp so với các nước phát triển. Ảnh: Lương Bằng

Tuy có sự gia tăng về quy mô và tốc độ tăng dân số đô thị nhưng tỷ trọng dân số đô thị của nước ta hiện vẫn ở mức rất thấp so với các nước phát triển trên thế giới cũng như so với các nước trong khu vực.

Cụ thể, tại các nước phát triển như Mỹ, Úc, châu Âu, tỷ lệ dân số thành thị chiếm khoảng 80% tổng dân số (Hoa Kỳ: 82%, Canada: 81%, Australia: 86%, châu Âu: 74%); so với các nước trong khu vực, tỷ lệ dân số đô thị của nước ta chỉ đứng trên Timor-Leste (31%), Myanmar (29%), Campuchia (23%) .

Kết quả Tổng điều tra năm 2019 cho thấy yếu tố di cư góp phần làm dân số khu vực thành thị tăng thêm 1,2 triệu người, chiếm 3,5% dân số thành thị. So với năm 2009, số lượng người nhập cư thuần của khu vực thành thị giảm gần 400.000 người, từ 1,6 triệu xuống còn 1,2 triệu người, tương đương 1/3 số người di cư thuần của khu vực này năm 2019. Đóng góp của di cư thuần cho đô thị hoá thể hiện qua tỷ lệ người di cư thuần trong tổng dân số thành thị đã giảm 2,4 lần, từ 8,3% năm 2009 xuống còn 3,5% năm 2019.

Đánh giá tác động của yếu tố hành chính đến quá trình đô thị hoá, Tổng cục Thống kê cho hay: Năm 2009, nước ta có 11.066 xã/phường/thị trấn. Trong đó, 1.944 phường/thị trấn được xác định là khu vực thành thị với tổng dân số là 25,4 triệu người, chiếm 29,6% dân số. Sau 10 năm, tổng số xã/phường/thị trấn trên cả nước là 11.160 (bao gồm 2.203 phường/thị trấn), tăng 94 đơn vị hành chính cấp xã. So với năm 2009, tổng số phường/thị trấn tăng thêm 259 đơn vị; trong đó, có 210 xã được chuyển đổi thành phường/thị trấn và 49 phường, thị trấn được thành lập mới theo các quyết định hành chính.

"Giả định các yếu tố tăng dân số tự nhiên và cơ học không thay đổi, ước tính các quyết định hành chính đã chuyển 4,1 triệu người đang là dân cư nông thôn thành cư dân thành thị, tương đương 12,3% dân số thành thị của cả nước năm 2019", Tổng cục Thống kê cho biết.

Theo vùng kinh tế - xã hội, tác động của yếu tố hành chính tới đô thị hoá chủ yếu diễn ra ở Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng và dường như không có tác động ở Tây Nguyên.

L.Bằng

Đô thị hóa: đừng để bị ‘rác cuốn đi’

Đô thị hóa: đừng để bị ‘rác cuốn đi’

 - Hy vọng cả nước sẽ vào cuộc, xóa bỏ bãi chôn lấp rác, hình thành ngành công nghiệp chế biến rác, góp một thành tựu mới trong tiến trình đô thị hóa của đất Việt.