- Sự xuất hiện của hàng loạt cơ hội làm ăn triển vọng dài lâu đã khiến các đại gia trong đó có doanh nhân Đỗ Quang Hiển - bầu Hiển sốt sắng xoay xở.

Ngày 11/5, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T - một tập đoàn tư nhân thuộc sở hữu của ông bầu bóng đá Đỗ Quang Hiển vừa có văn bản kiến nghị gửi Bộ Giao thông Vận tải xin được đầu tư vào ga Hà Nội tại địa điểm số 86 Lê Duẩn theo hình thức xã hội hóa.

Trước đó, hồi tháng 3/2015, bầu Hiển cũng đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông đề nghị mua Cảng Hàng không quốc tế Phú Quốc tại tỉnh Kiên Giang. Ngoài đề xuất muốn mua lại sân bay Phú Quốc, ông còn muốn mua lại toàn bộ cổ phần tại Cảng Quảng Ninh, với giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

{keywords}

Bầu Hiển sốt sắng với những cơ hội làm ăn triển vọng dài lâu

Cũng trong ngày 11/5, thông tin từ các bên liên quan cho biết, ông Đỗ Quang Hiển đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Công ty Thủy sản Bình An (Bianfishco) sau 2 năm rưỡi tại vị.

Bầu Hiển từ nhiệm chức vụ chủ tịch Bianfishco sau một thời gian dài tham gia tái cấu trúc và vực lại doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thủy sản này sau khi hoán đổi nợ ngân hàng thành cổ phần. Trong hai năm qua, Bianfishco đã xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp này vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa thoát lỗ.

Gần đây, T&T của bầu Hiển cũng như nhiều doanh nghiệp lớn khác như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng… rất quan tâm tới lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Tháng 4/2015, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất Bộ GTVT với mong muốn mua lại 3 nhà ga đường sắt lớn nhất Việt Nam, gồm: ga Hà Nội, ga Sài Gòn và ga Đà Nẵng.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trường Viện nghiên cứu và quản lý Trung ương, cho biết sở dĩ các “ông lớn” muốn tham gia vào lĩnh vực cảng biển, cảng hàng không, nhà ga… là bởi với các hiệp định thương mại tự do FTA đã và sắp được ký kết, logistics sẽ là lĩnh vực hấp dẫn nhất. Khi mà thuế về 0 hoặc ở mức rất thấp thì hàng hóa sẽ tự do di chuyển, ai nắm được logistics và hệ thống phân phối sẽ là người chiến thắng.

M. Hà