Khi virus SARS-CoV-2 lây lan và gây ra đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, các nhà khoa học cho biết có một loại "virus" khác cũng đang lan truyền từ người này sang người khác và gây ra một đại dịch chết người khác gọi là "Infodemic".
Infodemic được định nghĩa là tình trạng cung cấp thông tin quá mức, mang theo tin giả, tin đồn và những thuyết âm mưu khiến người tiếp nhận chúng bị tổn hại. "Virus" được nói đến ở đây chính là những tin giả.
Chúng có thể được truyền tai, chia sẻ từ người này sang người khác, giữa bạn bè, người thân trong gia đình hoặc thậm chí những người xa lạ. Những người càng có uy tín càng dễ lây lan tin giả sang cho người khác.
Và cũng giống như trong một đại dịch, sẽ có những đối tượng dễ bị tổn thương trước tin giả, ví dụ như người giả sử dụng mạng xã hội, trẻ em, những người thiếu kiến thức và hiểu biết không có khả năng đề kháng với tin tức giả.
Về lý thuyết, Infodemic có thể dính vào bất cứ thứ gì. Nhưng trong lần này, những tin giả liên quan đến COVID-19 có thể gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí The American Journal of Tropical Medicine and Hygiene đã thống hàng ngàn tin giả được lưu truyền trên internet và nhận thấy chúng thậm chí có thể giết chết người tiếp nhận.
Một tin giả trong đại dịch COVID-19 có thể giết chết 800 người, khiến hơn 100 người nhiễm bệnh và hàng ngàn người khác phải nhập viện.
Nghiên cứu mới được thực hiện bởi một nhóm các nhà khoa học quốc tế trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm. Họ đã tập hợp và thống kê được hơn 2.300 báo cáo về các tin tồn, thuyết âm mưu và kỳ thị liên quan đến đại dịch COVID-19. Các tin đồn này được lan truyền trên internet, chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội ở 87 quốc gia, sử dụng 25 ngôn ngữ khác nhau.
Không có thông tin sai lệch nào trong số này được cho là hữu ích - ngay cả khi những người phát tán và tung tin có ý định tốt. Phần lớn trong số các thông tin này là độc hại, một số ít mang tính vô thưởng vô phạt. Nhưng cũng có những thông tin thực sự giết chết người tiếp nhận nó, gây ra các vụ thương tích, thậm chí tử vong trên quy mô lớn.
Các tác giả lấy ví dụ về một trường hợp tin giả khuyên mọi người uống rượu có nồng độ cao hoặc cồn để khử trùng cơ thể và tiêu diệt virus. Tin giả này đã được lưu hành tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới.
"Sau thông tin sai lệch này, khoảng 800 người đã chết, 5.876 người phải nhập viện và 60 người bị mù vĩnh viễn sau khi uống methanol như một phương pháp chữa bệnh do virus corona gây ra", tác giả nghiên cứu viết.
Phần lớn các vụ ngộ độc methanol này xảy ra ở Iran. Đây có thể là một ví dụ kinh hoàng về hậu quả của tin giả trong đại dịch COVID-19, nhưng nó vẫn chưa phải là ví dụ duy nhất.
Các nhà nghiên cứu cho biết một sự kiện tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cướp đi sinh mạng của 30 người. Trong khi ở Qatar, hai người đàn ông đã tử vong do uống nước tẩy và nước rửa tay khô vì nghe nói rằng nó tiêu diệt được virus trong cơ thể.
Ở Ấn Độ, hàng chục người cũng đã bị ngộ độc sau khi uống rượu làm từ hạt cà độc dược. Hành động của họ được cho là bắt chước theo một video trên mạng xã hội tuyên bố rằng "liều thuốc bổ" này sẽ tăng cường được khả năng miễn dịch giúp chống lại COVID-19. Đáng nói có 5 trong số các nạn nhân này là trẻ em.
Ngay cả khi người chia sẻ có ý tốt và những thông tin tưởng rằng "lành tính" vẫn có thể gây hại khôn lường
Tất nhiên, không phải mọi tin đồn về virus corona đều dẫn đến những ca nhập viện gây xôn xao dư luận. Nhưng các nhà nghiên cứu phát hiện ra rất nhiều ý tưởng sai lầm và nguy hiểm đang được chia sẻ.
Trong đó, mọi người cho rằng họ có thể tiêu diệt, ngăn ngừa hoặc chữa COVID-19 theo những cách kỳ cục như uống thuốc tẩy, nước tiểu bò, ăn phân bò, dung dịch bạc hoặc xịt nước clo lên khắp người mình.
Nghiên cứu cho thấy đứng giữa vòng xoáy của thông tin sai lệch này, ngay cả những sai lầm tương đối lành tính cũng có thể trở nên nguy hiểm. Chẳng hạn như việc xịt nước muối vào họng, bình thường sẽ chẳng sao và còn tốt cho sức khỏe.
Nhưng tại một nhà thờ ở Hàn Quốc, người ta đã dùng chỉ một chiếc bình xịt để xịt nước muối vào miệng cho tất cả những người tham dự. Kết quả là vòi chiếc bình thò vào miệng một bệnh nhân COVID-19 đã lây lan virus cho hơn 100 người phía sau, tạo thành một ổ dịch siêu lây nhiễm.
Thực hành sai biện pháp vệ sinh đã khiến hơn 100 người tham dự một buổi lễ ở nhà thờ Hàn Quốc nhiễm virus.
Ngoài ra, các thông tin sai lệch không chỉ tồn tại trong các tuyên bố phòng hoặc điều trị virus corona, còn có những giả thuyết vô căn cứ hoặc thuyết âm mưu liên quan đến nguồn gốc của chúng.
Các thông tin này có thể gây hoang mang chẳng hạn như: virus corona là một chủng bệnh dại, nó có thể lây truyền qua sóng điện thoại 5G, virus là một loại vũ khí sinh học, nó đã được ai đó thiết kế ra chỉ để bán vắc-xin...
Rất nhiều tổ chức đã trở thành mục tiêu tấn công của các thuyết âm mưu này, ví dụ người ta đồn rằng virus gây ra đại dịch COVID-19 đã được Quỹ Bill & Melinda Gates tung ra. Tổng thống Donald Trump, CIA, Trung Quốc (v.v.) cũng trở thành các mục tiêu đổ lỗi. Một số thuyết âm mưu còn cho rằng đại dịch COVID-19 là một kế hoạch kiểm soát dân số, vv…
Các nhà nghiên cứu cho biết khi họ khảo sát những thông tin này, tất cả chúng đều đang được lưu hành tự do trên các trang web có thể truy cập công khai và nhất là mạng xã hội. Nói một cách khác, chúng không hề được kiểm soát cũng như được cơ quan chức năng kiểm duyệt.
"Thông tin sai lệch được thúc đẩy bởi tin đồn, kỳ thị và thuyết âm mưu có thể có tác động nghiêm trọng đến cá nhân và cộng đồng nếu được ưu tiên hơn các hướng dẫn dựa trên bằng chứng.
Các cơ quan y tế phải theo dõi thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19 trong thời gian thực và thu hút cộng đồng địa phương cùng các bên liên quan của chính phủ để gỡ bỏ các thông tin sai lệch đó", các tác giả nghiên cứu kết luận.
(Theo Pháp luật và Bạn đọc, Sciencealert)
Bên trong cuộc chiến chống "đại dịch" tin giả Covid-19 của WHO
ictnews Khi Covid-19 lan ra toàn cầu, một mối đe dọa khác xuất hiện: “đại dịch” tin giả trực tuyến.