Trả lời ICTnews, Tiki cho biết mức độ tăng trưởng về nhu cầu mua sắm trên trang của họ từ đầu tháng 2 đến nay được ghi nhận tăng 15% so với hai tháng cuối năm 2019. Điều này cho thấy nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trên Tiki có xu hướng tăng đáng kể từ khi dịch bệnh bùng nổ.
Lý do thực hiện so sánh tháng 2 với hai tháng cuối năm 2019 vì có thể thấy quý 4 hằng năm là lễ hội mua sắm trên Tiki cũng như các sàn TMĐT khác; và riêng 2 tháng cuối năm trên Tiki ghi nhận sự tăng trưởng đáng chú ý khi trong một số thời gian cao điểm, ước tính phát sinh 3.000-4.000 đơn hàng/phút.
Các sản phẩm được mua sắm nhiều nhất từ đầu tháng 2 cho đến nay có thể kể đến như khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí...
“Bên cạnh kiểm soát giá bán sản phẩm, chúng tôi cũng luôn nỗ lực đảm bảo nguồn cung, điển hình với sản phẩm nước rửa tay bởi rửa tay được xem là một trong những phương pháp phòng chống dịch bệnh được các chuyên gia và bác sĩ kiến nghị”, ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng giám đốc Phát triển doanh nghiệp tại Tiki cho biết.
Dịch viêm phổi cấp Covid-19 bắt đầu bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019. Đầu năm 2020, Việt Nam ghi nhận những ca lây nhiễm đầu tiên. Vào ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố dịch Covid-19 (khi đó gọi là nCov) tại Việt Nam. Từ sau đó, nhiều hoạt động tuyên truyền nhằm phòng tránh dịch bệnh được phát đi, người dân hạn chế đến các nơi đông người, dẫn đến tình trạng vắng vẻ tại một số trung tâm mua sắm và các chợ, siêu thị.
Trả lời ICTnews, phía Lazada cho biết kể từ khi Chính phủ chính thức công bố dịch bệnh do virus Corona vào ngày 1/2/2020, nhu cầu mua sắm của khách hàng đối với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe tăng đáng kể, đặc biệt là khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay.
“Trong vòng 4 tuần qua, chúng tôi nhận thấy nhu cầu mua sắm với ngành hàng xịt phòng, khử khuẩn dạng xịt tăng hơn 160%, ngành hàng tã giấy và giấy tăng hơn 60%, ngành hàng đồ hộp và thực phẩm đóng gói tăng hơn 50%”, đại diện Lazada cho biết.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam, lại khẳng định không nhận thấy bất kỳ mối liên kết trực tiếp nào giữa tình hình bùng nổ dịch bệnh Covid-19 và sự gia tăng sức mua sắm trực tuyến.
Dù vậy, ông cho rằng hiện nay, người Việt Nam được khuyến khích hạn chế di chuyển đến những nơi đông đúc. Và thực tế cho thấy, việc mua sắm trực tuyến mang đến cho người dùng sự tiện lợi trong việc sở hữu các mặt hàng thiết yếu mà người dùng không cần rời khỏi nhà.
Ông Huỳnh Phú Hải, chủ một chuỗi 5 cửa hàng bán điện thoại tại TP.HCM cho biết mùa này doanh thu ế ẩm, giảm 30% so với bình thường. Tăng cường bán hàng qua mạng, giao hàng tại nhà, xem các kênh online là cứu cánh, ông Hải đã tìm cách liên hệ với các trang thương mại điện tử lớn để bán hàng.
“Tôi sẵn sàng chịu chia sẻ lợi nhuận với các bên đó để bán được hàng trong mùa khó khăn này”, ông Hải cho biết.