Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, dù mức đóng Bảo hiểm xã hội có thể giảm 2% thì mức hưởng lương hưu của người lao động vẫn không thay đổi.
Việt Nam là nước có mức đóng các loại phí Bảo hiểm xã hội cao nhất khu vực ASEAN với mức đóng của doanh nghiệp là 22% và của người lao động là 10,5% tiền lương. Đây là áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt. Nhiều kiến nghị giảm tỷ lệ đóng Bảo hiểm xã hội đã được đề xuất. Vấn đề là Bảo hiểm xã hội sẽ giảm ở mức nào để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia bảo hiểm?
3 năm qua, dù không tăng lao động nhưng số tiền đóng các khoản Bảo hiểm xã hội của công ty cổ phần may Sông Hồng đã tăng thêm 200 tỷ đồng. Ước tính từ năm 2017, công ty này sẽ phải chi thêm 20 tỷ đồng nữa khi lương tối thiểu tăng lên 7,3% so với mức cũ.
Các doanh nghiệp đều cho rằng, mức đóng Bảo hiểm xã hội hiện nay quá cao và hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lại khẳng định là mức đóng Bảo hiểm xã hội như hiện nay chưa phải cao, vì nền đóng là tiền lương cơ sở của Việt Nam thấp. Hiện Bộ đang nghiên cứu phương án tạm hoãn đóng 2 khoản cho doanh nghiệp là phí an toàn lao động và Bảo hiểm thất nghiệp, còn Bảo hiểm hưu trí không giảm được.
Nếu như mức đóng Bảo hiểm hiểm xã hội ở nước ta là 32,5%, người lao động được hưởng mức lương hưu cao nhất bằng 75% tiền lương thì tại Thái Lan, mức đóng chỉ có 6% nên lao động chỉ được hưởng lương hưu bằng 20% tiền lương.
(Theo VTV)