Hầu hết chúng ta đều nhất trí rằng, cả âm nhạc và ánh sáng tác động đến sự thưởng thức bữa ăn nói chung. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, cá và khoai tây chiên có hương vị thơm ngon nhất khi bạn ngồi ăn trên cầu cảng hướng nhìn ra biển hay dùng bát, đĩa màu đỏ đựng thức ăn giúp bạn giảm cân hiệu quả.


{keywords}

Hơn một nửa cảm giác ngon miệng được cho là bắt nguồn từ các yếu tố bên ngoài thực phẩm. Ảnh minh họa: CCTV

Theo tiến sĩ Charles Spence, vị giáo sư thuộc Đại học Oxford (Anh) đang đấu tranh cho sự ra đời của một môn khoa học mới, có tên gọi "vật lý học dạ dày", tất cả các ảnh hưởng đa giác quan đều bộc lộ khi chúng ta ăn, khiến thực phẩm thực sự có hương vị khác biệt.

Trong thực tế, giáo sư Spence nghĩ rằng, hơn một nửa cảm giác ngon miệng bắt nguồn từ các yếu tố bất ngờ và ông đã có bằng chứng để chứng minh giả thuyết của mình.

Chẳng hạn như, tại một trong các buổi nếm rượu lớn nhất từng được tổ chức, quy tụ tới 3.000 người, những người tham gia đã được mời nếm một cốc rượu trắng và cho biết hương vị của nó ra sao và họ thích thứ rượu đó tới mức nào. Sau đó, nhạc và ánh sáng được thay đổi và mọi người được đưa cho một cốc rượu khác (ban tổ chức giữ bí mật với họ), nhưng thực tế là chứa cùng một loại rượu. Phản hồi của những người nếm sau đó đã thay đổi 20%.

"Cùng một loại thức ăn và đồ uống trong các bối cảnh khác nhau sẽ có hương vị hoàn toàn khác nhau. Đôi khi, những thứ chúng ta không nhận biết được lại có tác động lớn hơn những gì chúng ta nhận biết rõ", giáo sư Spence nhấn mạnh.

Ông Spence cũng chỉ ra những thứ nhỏ nhặt mà một quán rượu có thể làm để đánh thức các nụ vị giác của chúng ta. Trước hết là lối vào, cánh cửa chính mở vào lối đi hình cái cốc sẽ khiến cảm giác muốn thoát khỏi cuộc sống thường nhật.

Theo ông Spence, số lượng các lựa chọn trong thực đơn nhà hàng cũng tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Số lượng món khai vị nên là 7, món chính nên là 10. Bất kỳ số lượng ít hơn nào cũng khiến thực khách cảm thấy nhà hàng quá "hẻo" món. Ngược lại, số lượng nhiều hơn khiến thực khách có thể bắt đầu cảm thấy bối rối, thậm chí nản lòng.

Giáo sư Spence cho rằng, ngoài việc các món trong thực đơn phải được lựa chọn kỹ càng, đảm bảo chất lượng, nhà hàng cũng nên đầu tư kiểu chữ in được thiết kế tao nhã với các mô tả ngắn, gồm những từ khóa hấp dẫn cho từng món ăn, đồ uống, chẳng hạn như "giòn tan", "bổ dưỡng".

Ngoài ra, việc lựa chọn bộ dao, thìa, dĩa cho nhà hàng cũng rất quan trọng. Một thử nghiệm ở Edinburgh hé lộ, những thực khách được cho sử dụng bộ dao, thìa, dĩa nặng, đẹp hơn sẵn sàng trả thêm nhiều tiền hơn so với khi chỉ được cho sử dụng bộ dao, thìa, dĩa dùng một lần hoặc chất lượng kém. Giáo sư Spence tin, điều này là vì bộ não người gắn trọng lượng với giá trị.

{keywords}
Đồ đựng màu đỏ khiến món ăn kém hấp dẫn hơn và do đó khiến bạn ăn ít hơn, tốt cho người muốn giảm cân. Ảnh: Publicity Pictures

Đối với những người ăn kiêng, ông Spence khuyên họ nên dùng bát, đĩa màu đỏ đựng thức ăn để giảm cân. "Màu đỏ là tín hiệu cảnh báo nguy hiểm nguyên thủy, nhưng nó cũng khiến thực phẩm ít tương phản hơn, do đó kém hấp dẫn hơn và bạn sẽ ăn ít món đó hơn", ông Spence giải thích.

Trong khi ăn, mọi người cũng được khuyến nghị không nên xem ti vi, vì bộ não của chúng ta sẽ tập trung vào những gì đang xem và bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo mình đã ăn đủ mức.

Tuy nhiên, ăn một mình không phải là điều gì xấu nếu bạn đang theo đuổi chế độ ăn kiêng. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chúng ta ngốn ngấu thêm 35% lượng thực phẩm nếu dùng bữa cùng một người khác, và lượng thực phẩm thêm này sẽ tăng thêm tới 75% nếu dùng bữa cùng 3 người khác.

Theo ông Spence, nhìn chung, thức ăn và rượu có hương vị ngon hơn nếu được nghĩ là đắt tiền. Bên cạnh đó, việc kết hợp thức ăn và đồ uống với âm nhạc cũng có thể giúp cải thiện hương vị của chúng, chẳng hạn như nhạc có âm vực cao tăng cảm giác ngọt, trong khi nhạc có âm vực thấp và các tiếng lanh lảnh khiến thực phẩm có vị đắng hơn.

Tuấn Anh (Theo Daily Mail)