Theo trang tin Defense Blog, thông tin này được Greg Hayes, Giám đốc điều hành Raytheon Technologies, cho biết trong cuộc họp với các nhà phân tích đầu tư hôm 26/4.

"Chúng tôi sẽ phải bắt tay vào thiết kế lại một số chi tiết điện tử của tên lửa và đầu dò tầm nhiệt. Điều này sẽ mất không ít thời gian. Kho vật tư để sản xuất tên lửa Stinger lúc này rất hạn chế", ông Hayes cho hay, khi đề cập đến các loại tên lửa phòng không vác vai FIM-92 Stinger và tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin mà Mỹ đang viện trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.

Lính thủy quân lục chiến Mỹ phóng tên lửa Stinger trong một cuộc tập trận ở Romania năm 2017. Ảnh: AP

Tháng trước, giới chức Kiev từng yêu cầu Washington viện trợ 500 tên lửa Stinger và Javelin mỗi ngày. Tuy nhiên, Raytheon đã không sản xuất thêm bất kỳ tên lửa Stingers mới nào cho quân đội Mỹ trong gần 20 năm qua, và những chiếc được gửi đến Ukraine đang dần cạn kiệt trong kho dự trữ của Lầu Năm Góc.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks cũng thừa nhận Raytheon đang có “nguồn nguyên liệu rất hạn chế để sản xuất Stinger”, và Lầu Năm Góc “đang tích cực tìm nguồn cung linh kiện”. Dù vậy, Giám đốc Hayes cho biết ông không hy vọng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ dám đặt mua số lượng "lớn" một trong hai loại tên lửa của mình từ giờ cho đến năm 2023 hoặc 2024.

Tên lửa vác vai FIM-92 Stinger được Mỹ phát triển vào cuối thập niên 1970, đưa vào biên chế năm 1981 và liên tục nâng cấp cho tới nay. Loại tên lửa này được thiết kế để bắn hạ mục tiêu bay thấp, và đặc biệt nguy hiểm với trực thăng và máy bay vận tải. Mẫu Stinger cơ bản có tầm bắn 4,5km, trong khi các biến thể hiện đại nhất của quân đội Mỹ có thể đánh chặn mục tiêu từ khoảng cách tới 8km.

Các loại tên lửa vác vai được lực lượng Ukraine sở hữu được xem là vũ khí gây nhiều thiệt hại nhất đối với quân Nga, sau hơn 2 tháng Moscow mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở nước láng giềng.

Việt Anh